Đầu tháng 6-2014, N.T.X.T. bị Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an Tp. Phan Rang–Tháp Chàm) bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi bán trái phép chất ma túy cho một con nghiện. T. khai nhận với cơ quan điều tra rằng bản thân đã cùng một “đàn chị” lớn hơn mình 4 tuổi nhiều lần thực hiện hành vi bán trái phép chất ma túy cho các đối tượng nghiện hút trên địa bàn Tp. Phan Rang–Tháp Chàm. Chỉ mới 16 tuổi, đã “kinh doanh” hàng “trắng”, X.T có ý thức được rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật hay chỉ nghĩ đơn giản là mình “chuyền tay” những túi ma túy đá cho người khác, rồi nhận “tiền công” để tiêu xài cá nhân?
Hay như trường hợp của N.T.D.N., “nhờ” chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên hành vi cướp giật tài sản của N. không bị đưa ra xét xử như người “cộng sự” của mình. Tuổi đời còn quá trẻ, liệu N. có đủ hiểu biết và bản lĩnh để nhìn nhận lối sống, thay đổi suy nghĩ và hành động của mình? Hay cái “dớp” đó sẽ “lái” cuộc đời em theo những sai lầm, những hành vi sai trái?
Vụ án “hiếp dâm trẻ em” được đưa ra xét xử vào giữa tháng 6 vừa qua khiến nhiều người ngỡ ngàng khi bị cáo N.T. chỉ mới sinh năm 1998 (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước). Điều đáng nói là khi N.T. thực hiện hành vi “giao cấu với trẻ em” lần đầu tiên là lúc N.T. mới 14 tuổi, bị hại khi ấy mới hơn 7 tuổi. Nhận thức về pháp luật hạn chế cộng với sự ảnh hưởng của văn hóa phẩm đồi trụy đã làm nảy sinh ở N.T. ham muốn mù quáng, xâm hại nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần của một đứa trẻ, đồng thời nhận lấy cho mình mức án 7 năm tù giam.
Những vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra có sự tham gia của các thiếu niên, những người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng như chưa đủ hiểu biết về pháp luật, nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế,… đang có xu hướng gia tăng. Đây không chỉ là “kết quả” của sự thờ ơ, thiếu quan tâm từ phía gia đình, mà còn từ sự thiếu giáo dục pháp luật, định hướng hành vi từ phía nhà trường và xã hội. Mặt khác, lối sống buông thả, tự do cũng như khả năng tiếp cận các nguồn thông tin thiếu chọn lọc trên Internet cũng ảnh hưởng nhiều đến nhận thức và hành vi của một bộ phận thiếu niên, các em có khuynh hướng muốn khẳng định bản thân bằng bạo lực hoặc các hành vi nguy hiểm cho xã hội,… Chính vì vậy, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần có sự quan tâm đầy đủ đến con em, đặc biệt là ở lứa tuổi thiếu niên, lứa tuổi đang định hình nhân cách và lối sống, là bước rất quan trọng tạo nên những công dân có ích cho xã hội. Đừng để một phút “lơ là” mà phải bước vào phòng xét xử với tư cách là phụ huynh của bị cáo!
Bảo Bình