Điển hình vào chiều ngày 21-6, một nhóm gồm 4 sinh viên thuộc Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Ninh Thuận rủ nhau tắm biển tại khu vực biển Ninh Chử. Trong lúc sóng to, không quen địa hình, cả 4 em bị cuốn vào dòng xoáy gây đuối nước. Rất may Đội trật tự vệ sinh môi trường thị trấn Khánh Hải và người dân tắm biển kịp thời cứu hộ được 3 em, còn em Nguyễn Tiến Trình (SN 1996) đã bị chết. Và mới nhất, vào lúc 14 giờ, ngày 12-7, cũng bãi biển Ninh Chử trước mặt chính diện Khách sạn Sài Gòn-Ninh Chử, nạn nhân gồm 3 người, trong đó 1 phụ nữ được lực lượng bảo vệ khách sạn cứu kịp và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện; 2 nạn nhân tử vong là anh Nguyễn Phạm Luân (SN 1988) và Nguyễn Phạm Duân (SN 2001) quê ở Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng).
Bãi biển Bình Sơn thu hút đông đảo trẻ em đến tắm trong mùa hè 2015. Ảnh: Sơn Ngọc
Ông Phạm Ngọc Thương, Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải), cho biết: Khu vực bãi biển Ninh Chử có dãy cồn cát, khi có gió to, sóng lớn, nước triều cạn nhanh sẽ hình thành dòng nước xoáy, khi bơi vào khu vực này vẫn rất nguy hiểm.
Ông Tô Công Trung, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: Hiện nay, khu vực bãi biển Bình Sơn thuộc sự quản lý của đội có 14 người, chia làm 2 ca trực (7 người/ngày đêm) để bảo vệ trật tự, môi trường và kiêm luôn cứu hộ cứu nạn, đây chỉ là lực lượng không chuyên nên hầu như không có tác dụng. Với bờ biển dài gần 5km, cùng 4 bãi tắm và hàng nghìn du khách, người dân đến đây tắm biển sáng, chiều mỗi ngày thì con số 7 người làm công tác cứu nạn là quá mỏng. Anh Đông, nhân viên Đội trật tự vệ sinh môi trường thị trấn Khánh Hải (người trực tiếp tham gia cứu hộ vụ 4 sinh viên nêu trên), cho biết: Chúng tôi thiếu tất cả những phương tiện cần thiết để cứu nạn từ canô, phao đặc chủng... Các vụ xảy ra vừa qua, anh em trong đội chủ yếu dùng sức người, phao tự chế “liều mạng” để cứu giúp thôi.
Có thể nói những vụ đuối nước thương tâm nêu trên không chỉ gây thiệt hại về người, nỗi đau cho gia đình người bị nạn, tình trạng đuối nước còn gióng lên hồi chuông cảnh báo ảnh hưởng đến môi trường du lịch biển của tỉnh ta. Thiết nghĩ, nhằm bảo đảm an toàn tại các bãi tắm biển, bên cạnh việc quan tâm đầu tư trang bị các phương tiện, dụng cụ cứu hộ cứu nạn, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và nhắc nhở du khách, người dân đến tắm ở các khu vực bãi tắm an toàn. Tăng cường lực lượng cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, tết. Cần làm tốt hơn nữa việc xã hội hóa công tác cứu hộ, cứu nạn như vận động kinh phí từ các doanh nghiệp, cơ sở du lịch để hỗ trợ đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ và thả dây phao hạn chế tại khu vực tắm biển.
Xuân Bính