Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp ô tô

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo Thông báo kết luận, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thời gian vừa qua đã đạt một số kết quả nhất định, nhưng chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô còn chủ yếu hoạt động theo hình thức lắp ráp CKD đơn giản, chưa chế tạo được các cụm chi tiết quan trọng như động cơ, hộp số, cụm truyền động; cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp ô tô thời gian qua chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho phát triển ngành.

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược và Quy hoạch đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Quyết định về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô.

Đối với những nội dung liên quan đến khuyến khích sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô (trong đó đặc biệt khuyến khích sản xuất động cơ, hộp số,…), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần nêu rõ nội dung, tiến độ; những vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ, đề xuất giao các Bộ, ngành thực hiện; trường hợp thuộc thẩm quyền Quốc hội thì đề xuất giao các cơ quan liên quan chuẩn bị trình Quốc hội theo quy định.

Đối với những nội dung liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt cần điều chỉnh, sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng phương án sửa đổi chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, có tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực theo hướng giảm mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe ưu tiên phát triển.

Áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3,0 lít, tiêu hao nhiều nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.

Đối với dự án có quy mô lớn sản xuất các dòng xe ưu tiên và dự án sản xuất các cụm chi tiết quan trọng: Áp dụng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi hơn quy định hiện hành. Mức ưu đãi đối với từng dự án cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Mục tiêu đặt ra là năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.

Hỗ trợ Phú Yên phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 20 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho tỉnh Phú Yên phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Việc xuất cấp, quản lý và sử dụng số hóa chất nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên, từ đầu năm 2015 đến hết tháng 6/2015, trên địa bàn tỉnh đã có 315 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và bệnh do môi trường.

Để phòng, chống dịch bệnh, Chi cục Thú y đã trực tiếp hướng dẫn người nuôi các biện pháp xử lý ổ dịch. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn con giống thả nuôi đạt chất lượng, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền; ý thức việc tuân thủ lịch thời vụ, khai báo dịch bệnh cho cơ quan quản lý khi có dịch bệnh xảy ra, sử dụng một phần diện tích nuôi để dùng làm ao lắng, chứa, xử lý nước, chung tay bảo vệ môi trường nuôi.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh Phú Yên đã cấp hỗ trợ 11.848 kg hóa chất dập dịch cho người nuôi để xử lý ổ dịch, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.

Hỗ trợ Bình Thuận xây dựng chợ Phú Long

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc hỗ trợ vốn di dời chợ Phú Long để thực hiện Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ tỉnh Bình Thuận số tiền 21,864 tỷ đồng từ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Thuận để xây dựng chợ Phú Long mới (trong đó bao gồm 4,625 tỷ đồng đã được Bộ Giao thông vận tải chi trả cho Tỉnh thực hiện đền bù, hỗ trợ di dời chợ Phú Long cũ) như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu báo cáo, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc di dời chợ Phú Long đã thực hiện hơn 16 tháng nhưng đến nay các tiểu thương vẫn đang phải kinh doanh ở khu chợ tạm ngày càng bị hư hỏng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, mua bán và gây bức xúc cho người dân, do vậy việc xây dựng chợ mới là rất cấp bách.

Huy động vốn hoàn thành Quốc lộ 14C

Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Kon Tum được huy động các nguồn vốn hợp pháp của địa phương (không huy động vốn của nhà thầu) để ứng trước vốn thi công hoàn thành Quốc lộ 14C đoạn Km72 - Km97+823 tỉnh Kon Tum.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, đề xuất điều chuyển nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư (nếu có) của các dự án trong danh mục trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2014-2016 của Bộ để hoàn trả số vốn Tỉnh đã huy động ứng trước nêu trên; trường hợp không còn vốn dư trái phiếu Chính phủ thì bố trí trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải (nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ) để hoàn trả cho Tỉnh theo quy định.

Dự án Quốc lộ 14C đoạn Km72- Km97+823 thuộc Dự án đầu tư xây dựng nền, mặt đường Quốc lộ 14C đoạn Km10- Km97+823 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2010 nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum mới được tách lập. Hiện nay, dự án đang cần bổ sung thêm vốn để hoàn chỉnh.

Chuẩn bị đầu tư xây dựng Cảng biển Hòn Khoai

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng biển Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Cà Mau thực hiện các thủ tục liên quan đến chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng biển Hòn Khoai theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND tỉnh Cà Mau thực hiện việc thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và triển khai các bước tiếp theo của Dự án xây dựng Cảng biển Hòn Khoai theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Cảng Hòn Khoai được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia có thể đón các tàu biển có dung tích, tải trọng lớn nhất thế giới hiện nay.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, việc sớm triển khai và hoàn thành Dự án cảng biển Hòn Khoai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn với việc đầu tư Khu kinh tế Năm Căn, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Nâng mức cho vay hộ gia đình cải thiện công trình vệ sinh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Dự án Cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn miền Trung được điều chỉnh mức cho vay (hỗ trợ hộ gia đình cải thiện công trình vệ sinh) từ mức 4 triệu đồng/hộ lên mức 6 triệu đồng/hộ thông qua khoản vay của Quỹ quay vòng do Hội phụ nữ các tỉnh tham gia thực hiện dự án quản lý.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện rà soát đối tượng được vay vốn từ Quỹ tín dụng vệ sinh quay vòng do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ xã quản lý để đảm bảo không trùng lắp với các đối tượng thuộc Chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 và Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg ngày 03/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Tính đến 30/9/2014 mới chỉ có 1.407 hộ gia đình được vay vốn, đạt hơn 30% so với nhu cầu vay vốn với mức vay 4 triệu đồng/hộ và đạt khoảng 10% so với nhu cầu vay vốn cải thiện nhà tiêu hộ gia đình.

Theo Bộ Tài chính, Quỹ quay vòng Dự án Cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn miền Trung với mức cho vay hiện hành là 4 triệu đồng/hộ không còn phù hợp với chi phí xây dựng giai đoạn hiện nay nên việc xem xét nâng mức cho vay là cần thiết để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, đạt được mục tiêu của Dự án, phù hợp với mức cho vay hiện nay (6 triệu đồng/hộ) của Chính phủ Việt Nam theo Chương trình thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Đánh giá thực trạng sử dụng xe 3 bánh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, các cơ quan, địa phương liên quan đánh giá thực trạng sử dụng xe cơ giới 3 bánh theo tinh thần Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xem xét đối với đề nghị của doanh nghiệp về việc nhập khẩu và lưu hành xe mô tô 3 bánh kiểu mới, công nghệ hiện đại so với thực trạng giao thông, yêu cầu an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tác động ảnh hưởng đến chủ trương kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, kinh nghiệm quốc tế…; báo cáo đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý phù hợp.

Để kiềm chế và giảm tai nạn giao thông, Nghị quyết 05/2008/NQ-CP của Chính phủ quy định không cấp phép mới cho lưu hành thêm các loại xe cơ giới 3 bánh. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo ngừng kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới 3 bánh.

Do đó, xe mô tô 3 bánh nguyên chiếc nhập khẩu không được thông quan, mặc dù không bị cấm nhập khẩu. Thực hiện Nghị quyết 05/2008/NQ-CP, thực tế hiện nay thì xe cơ giới 3 bánh vẫn được phép sử dụng, nhưng cấm lưu hành trong nội thành, nội thị (trừ xe cho thương binh, người tàn tật). Những loại xe 3 bánh do thương binh sử dụng thực tế vẫn còn nhiều và cũng được dùng để chở thuê vận chuyển hàng hóa.

Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ nước ta đang được mở rộng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, ý thức người dân chưa cao, tình trạng ùn tắc giao thông còn tiếp diễn. Do vậy việc nghiên cứu các loại xe mô tô kiểu mới với công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn giao thông và phù hợp với hạ tầng giao thông nước ta là rất cần thiết.

Được biết, Chính phủ cũng đã cho phép thí điểm sản xuất, lắp ráp xe 4 bánh chở hàng có gắn động cơ với kết cấu đơn giản hơn ô tô, giá thành phù hợp.

Nghiên cứu biện pháp quản lý xe điện 4 bánh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về quản lý hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 4638/BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất về quản lý hoạt động đối với xe 4 bánh có gắn động cơ.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, ngoài 4 địa phương là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm, còn có một số địa phương Khánh Hòa, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa loại hình xe 4 bánh chạy năng lượng điện này vào hoạt động chở khách du lịch theo nhu cầu thực tế của địa phương.

Thực tế tại 10 địa phương trên, hiện có tổng số 30 doanh nghiệp, một số hộ kinh doanh cá thể với 1.086 phương tiện đang hoạt động.

Sau một thời gian triển khai, các Dự án sử dụng phương tiện nêu trên phục vụ nhân dân và du khách đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: cơ bản đảm bảo tuyệt đối an toàn, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch, đồng thời thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm, tiếng ồn nhỏ hơn các loại phương tiện vận chuyển khách khác, tốc độ di chuyển của phương tiện thấp nên đảm bảo an toàn khi lưu thông, chưa xảy ra vụ tai nạn nào liên quan đến loại xe này gây thương tích cho người và phương tiện khác khi lưu thông.

Đây là loại phương tiện giao thông sạch, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường; hoạt động của xe 4 bánh chạy năng lượng điện đang rất được người dân quan tâm; nó đã thể hiện tính ưu việt là giảm ô nhiễm môi trường và tránh ùn tắc giao thông, xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, hiện đại.

Nhưng loại phương tiện này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí cầu đường, biểu tính thu tiền quỹ bảo trì đường bộ,... đều gặp khó khăn cho cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Đây là hoạt động của phương tiện chở khách (đa số là khách du lịch) có thu tiền nhưng chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, giá cước (do chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ).

Cho nên, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế. Trong Thông tư đã quy định đối với xe chở người 4 bánh có gắn động cơ về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế; điều kiện tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế đối với xe và người điều khiển xe.

Qua đó hướng dẫn việc thực hiện áp dụng quy định tạm thời về tổ chức, quản lý đối với việc sử dụng xe 4 bánh chạy năng lượng điện trong hoạt động chở khách bảo đảm an toàn giao thông về trật tự đô thị.

Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại một số địa phương và kết quả thực hiện của 4 địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép loại hình phương tiện 4 bánh có gắn động cơ được hoạt động chính thức trong vùng hạn chế tại các tỉnh, thành.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an có quy định và hướng dẫn thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số cho loại phương tiện này.

Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của Bộ Công an và các cơ quan liên quan; trong đó lưu ý làm rõ đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ đối với xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2015.