Tuy nhiên, do chủ động trước tình hình nêu trên tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống hạn và tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất- kinh doanh. Nhờ đó, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 5,3% so cùng kỳ, trong đó giá trị gia tăng các ngành: Công nghiệp - xây dựng tăng 12,7%; dịch vụ tăng 12,6%; Riêng Nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 10,3%; Giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,2 triệu USD, tăng 11,7% so cùng kỳ. Đáng nói là thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 850,8 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 850 tỷ đồng, bằng 56,7% kế hoạch năm và tăng 8% so cùng kỳ.
Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú thi đua lao động sản xuất đạt sản lượng cao.
Ảnh: Văn Miên
Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà, đầu tiên cần đề cập đến là ngành Công nghiệp với giá trị sản xuất tăng 13,5%. Đây là kết quả từ sự phục hồi và tăng khá một số ngành hàng chính như: Tinh bột mỳ tăng 38,2%, gạch nung tăng 3,9 lần, gạch không nung tăng 2,3 lần, tôm đông lạnh tăng gấp 1,86 lần, bia lon tăng 11,6%, muối tăng 42,9%, khăn bông các loại tăng 30,5%. Đồng thời năng lực sản xuất mới một số doanh nghiệp tiếp tục phát triển như chế biến thủy sản Thông Thuận, khăn bông Quảng Phú, thủy điện hạ Sông Pha 1...đã đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu như một số ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn không tiếp tục suy giảm như nhân điều (giảm 31,8%), đường RS (giảm 11,5%), xi măng (giảm 5,7)... thì tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp sẽ đạt mức cao hơn so cùng kỳ. Các ngành Dịch vụ trong 6 tháng qua tăng trưởng khá, cao hơn 1,4% so cùng kỳ năm trước. Đáng nói là hoạt động thương mại tiếp tục được mở rộng đa dạng, phong phú loại hình kinh doanh và hàng hóa nhất là hàng Việt Nam theo tinh thần Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 13,5% so cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục sôi động, một số tour, tuyến du lịch mới được phát triển...Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã thu hút trên 988,5 ngàn lượt du khách, tăng 48,9% so cùng kỳ, trong đó khách nội địa tăng 54,4%.
Có thể nói trong vòng 10 năm trở lại đây, chưa năm nào ngành nông nghiệp phải trực diện với hạn hán khốc liệt kéo dài và diễn ra trên diện rộng như năm nay, gây thiệt hại lớn đó là không những ”kéo giảm” tăng trưởng chung nền kinh tế của tỉnh mà còn tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân sinh. Trong 6 tháng qua, tỉnh tập trung chỉ đạo công tác chống hạn, giảm thiệt hại với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả như: thực hiện tốt công tác điều tiết nước hợp lý và gieo trồng theo đúng lịch thời vụ, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nắng hạn, bảo đảm nước tưới cho hầu hết diện tích gieo trồng vụ đông - xuân. Mặt khác, dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát chặt chẽ, sản lượng cây nho đạt khá cao, tăng 34,9% so cùng kỳ; một số mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình “1 phải, 5 giảm”, mô hình tưới tiết kiệm, mô hình sản xuất nho an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP... tiếp tục được triển khai và nhân rộng, góp phần duy trì thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhiều nông hộ ở các địa phương trước nạn hạn hán “hoành hành”.
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận kiểm tra chất lượng sản phẩm gạch không nung.
Ảnh: Thanh Long
Tuy nhiên, do tình hình nắng hạn gay gắt kéo dài, vụ Đông Xuân phải dừng gieo trồng 6.100 ha đất canh tác; đáng nói hầu hết năng suất, sản lượng các loại cây trồng hàng năm đều giảm, trong đó có gần 1.580ha giảm mạnh về năng suất và trên 510ha bị mất trắng. Theo dự báo, tình hình nắng hạn còn gay gắt hơn trong vụ Hè Thu sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Thực tế trong vụ này toàn tỉnh tiếp tục ngừng sản xuất trên 10.200ha. Về sản xuất thủy sản, tuy có thuận lợi về thời tiết nhưng do sản lượng vụ cá nổi xuất hiện không nhiều và các dòng hải lưu nhiều tầng chảy mạnh kéo dài, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác của ngư dân, dẫn đến sản lượng khai thác hải sản 6 tháng đầu năm giảm mạnh, ước đạt 37.818 tấn, bằng 81,9% cùng kỳ; quy mô sản xuất giống thủy sản sụt giảm, sản lượng ước đạt 10,6 tỷ con, bằng 79,6% cùng kỳ...Do đó, cũng ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân và tác động giảm đến tăng trưởng chung kinh tế của tỉnh.
Điều cũng đáng ghi nhận trong 6 tháng qua đó là các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai chương trình kết nối với Doanh nghiệp để góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư như chương trình cho vay thí điểm để thực hiện các mô hình liên kết chuỗi sản xuất vùng nguyên liệu mía cây của Công ty CP Mía đường Phan Rang đã giải ngân 65 tỷ đồng; liên kết sản xuất giống cây trồng của Công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố đã giải ngân 8,1 tỷ đồng...Tổng dư nợ cho vay đầu tư phát triên kinh tế của tỉnh ước đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2014. Măc khác, tỉnh đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng ước đạt 4.350 tỷ đồng, tăng 14,3% so cùng kỳ, trong đó vốn của các thành phần kinh tế và dân cư ước đạt 2.937 tỷ đồng, chiếm 67,5%.
Tình hình thu hút đầu tư các thành phần kinh tế có nhiều chuyển biến. Đến nay tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới cho 19 dự án, chấp thuận địa điểm 16 dự án khác với tổng vốn đăng ký trên 50.200 tỷ đồng. Sông song với đó, tỉnh tập trung rà soát, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; đồng thời xử lý thu hồi 08 dự án và hủy bỏ chủ trương 03 dự án chậm tiến độ và không có khả năng triển khai. Ngoài ra, trong 6 tháng có 149 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký trên 526 tỷ đồng, tăng 15% về số doanh nghiệp và tăng 56% về vốn so cùng kỳ; đồng thời có 27 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, giảm 36% so cùng kỳ...
Khó có thể nói hết những nổ lực chủ động, vượt khó, phát huy nội lực của các cấp, các ngành để tiếp tục duy trì ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy chưa đạt kết quả như kế hoạch đề ra của một số ngành, lĩnh vực và tăng trưởng chung nền kinh tế của tỉnh nhưng đây sẽ là cơ sở để tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất-kinh doanh và đầu tư bằng các giải pháp tích cực, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch những tháng còn lại của năm 2015 nói riêng và cả năm nói chung.
Tuấn Dũng