Những nghiên cứu về việc sử dụng thuốc lá trong thanh-thiếu niên cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ. Có tới 21,6% nam thanh niên từ 16 - 24 tuổi là người hút thuốc. Trong một nghiên cứu khác, có tới 17% học sinh nam hút thuốc. 14,3% học sinh nam, nữ trong độ tuổi 13 - 15 trả lời có ý định hút thuốc trong tương lai. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 6 triệu người tử vong liên quan đến hút thuốc lá. Trong đó, có khoảng 600.000 người tử vong do hút thuốc lá thụ động...
Theo WHO, việc tăng thuế và giá đối với thuốc lá sẽ vừa góp phần tăng thu cho ngân sách, vừa góp phần giảm số lượng người sử dụng thuốc lá. Trong một nghiên cứu cho thấy, tại một nước có thu nhập thấp, sau khi tăng 10% thuế và giá, đã giảm được 4% số lượng thuốc lá tiêu thụ. Trong khi đó, Việt Nam là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực (thấp hơn Brunei, Singapore, Thái Lan, Malaysia... và chỉ cao hơn Campuchia). Thuế thuốc lá tại Việt Nam chiếm 41,6% trên giá bán lẻ. Do đó, để đạt được mục tiêu giảm 8% tỷ lệ hút thuốc lá trong 8 năm (từ 2012 đến 2020), theo WHO, Việt Nam cần tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 105% trong năm 2015 và có lộ trình tăng lên thành 145% năm 2018 và 155% vào năm 2020. Hiện nay, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam khá cao, với 15,3 triệu người; việc hút thuốc lá nơi công cộng diễn ra phổ biến. Nghiêm trọng hơn, tỷ lệ người không hút thuốc lá nhưng chịu ảnh hưởng lớn chiếm gần 60%. Bên cạnh đó, tỷ lệ người mắc bệnh và chết do các bệnh không lây nhiễm gia tăng; khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Để giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá, WHO đã khởi xướng xây dựng Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá. Nội dung của Công ước Khung có liên quan đến nhiều lĩnh vực, như: sản xuất, buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá. Tính đến ngày 30-7-2009, đã có 168 quốc gia ký Công ước, trong đó 166 quốc gia đã phê chuẩn Công ước Khung. Việt Nam là nước thứ 47 phê chuẩn Công ước Khung và Công ước Khung có hiệu lực tại nước ta từ ngày 17-3-2005.
Tại tỉnh Ninh Thuận, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản pháp lý chỉ đạo triển khai thực hiện Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá, tăng cường công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc nghiêm túc thực thi vẫn còn khó khăn và hạn chế, quy định cấm hút thuốc chủ yếu mới được tuân thủ ở một số cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện… Ý thức chấp hành không hút thuốc tại những nơi làm việc và ở những nơi công cộng chưa cao.
Nhằm bảo vệ Nhân dân không bị ảnh hưởng vì khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc và nơi công cộng, bảo vệ môi trường, cũng như hỗ trợ những cố gắng của người hút thuốc lá trong việc bỏ hút thuốc lá, làm giảm nguy cơ hút thuốc lá của thế hệ trẻ trong tương lai, cần có sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá, phải xác định việc phòng chống tác hại thuốc lá; là công việc thường xuyên, liên tục và lâu dài. Cần tích cực tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng trong cộng đồng.
Trần Thị Tuyết
TT. Truyền thông Giáo dục sức khỏe