Ảnh minh họa.
Những khác biệt trong đặc điểm đời sống kinh tế, tập quán sinh hoạt và nhận thức của người dân về các vấn đề xã hội đòi hỏi người làm công tác dân số không chỉ nắm chắc địa bàn, mà còn phải lựa chọn áp dụng phương pháp phù hợp với mỗi đối tượng tác động. Quan niệm “đông con” để có nhiều lao động trong gia đình, thiếu quan tâm đến giáo dục, từ chối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản,... là những vấn đề “quen thuộc” của công tác dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta. Điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc thay đổi nhận thức và hành động của từng người, từng gia đình, làng xóm và cộng đồng về vấn đề này là không hề dễ dàng.
Nỗ lực vượt qua rào cản lâu đời trong quan niệm của người dân, những cán bộ dân số đã kiên trì bám cơ sở, thực sự trở thành “người bạn” thân thiết với mỗi phụ nữ, mỗi gia đình, tạo ra nhiều kết quả tích cực trong công tác. Những cặp vợ chồng trẻ ở các xã, phường ven biển không còn chọn phương pháp “làm giàu” là sinh nhiều con như các thế hệ trước; ở miền núi, phụ nữ được chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện KHHGĐ,... góp phần ổn định đời sống kinh tế gia đình, trẻ em có điều kiện học tập và chăm sóc tốt hơn. Đây là cơ sở thuận lợi để triển khai các chương trình, dự án kinh tế - xã hội khác.
Với chủ đề Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay là “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”, chúng ta chính là những “người trong cuộc”, trực tiếp chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, từ các thiên tai như hạn hán, bão lũ… Vì vậy, bên cạnh các hoạt động hướng sự quan tâm đến những đối tượng “dễ bị tổn thương” như phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta cần xác định nhiệm vụ và hành động kịp thời để tránh bị động trong các tình huống xấu có thể xảy ra. Quan trọng hơn, mỗi người phải nhìn thấy trách nhiệm xã hội của bản thân trong việc cải thiện chất lượng dân số, mỗi người phải là một yếu tố tích cực trong “nhiệm vụ” chung, xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo lập một tương lai bền vững cho quê hương, đất nước.
Nguyên Hạ