Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã thực hiện vượt chỉ tiêu với tổng diện tích gieo trồng 16.116ha, đạt 63,35% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực đạt 38.393 tấn, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn huyện đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 7,9%. Thu ngân sách đạt 16,2 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Du khách quốc tế tham quan Trang trại Nho Ba Mọi (Phước Thuận, Ninh Phước).
Ảnh: Văn Miên
Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Xác định sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế địa phương, ngay từ đầu năm, ngoài việc vận động bà con chuyển sang trồng các loại cây trồng phù hợp với từng loại đất để vừa đảm bảo kinh tế, vừa tiết kiệm nước, địa phương còn tiến hành quy hoạch lại các vùng chuyên canh về trồng nho, táo, lúa giống với diện tích 366ha cây nho, 711ha cây táo và 120ha lúa giống xác nhận. Ngoài ra, huyện còn triển khai các mô hình: "1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, trồng rau an toàn, trồng măng tây xanh, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo thịt và nuôi gà tập trung... trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất. Kết quả cho thấy, các mô hình trên đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân. Trong đó, điển hình nhất là mô hình "1 phải, 5 giảm", năng suất lúa bình quân đạt 73,3 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt năng suất rất cao từ 80-85 tạ/ha, lợi nhuận thu được tăng gấp nhiều lần so với tập quán sản xuất cũ. Đối với mô hình trồng táo, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ tập trung phát triển các loại cây trồng, huyện Ninh Phước còn linh hoạt trong việc vận dụng các cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế trên địa bàn chủ động liên doanh, liên kết thành các hợp tác xã (HTX) và Tổ hợp tác (THT) để mở rộng ngành, nghề sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Tính đến cuối tháng 6, toàn huyện có 29 HTX hoạt động theo Luật HTX, 71 THT, 8 mô hình trang trại theo tiêu chí mới, 143 mô hình kinh tế tập trung theo hướng trang trại vừa và nhỏ. Điều đáng mừng là hầu hết các HTX, THT đều thực hiện tốt việc cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch, phối hợp chuyển giao khoa học-kỹ thuật, quy trình thâm canh, bảo vệ thực vật và triển khai các điểm trình diễn mới, để nông dân có điều kiện tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm mang lại thu nhập cao cho xã viên.
Điểm chú ý nữa trong phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm của huyện Ninh phước, đó là khai thác hiệu quả thế mạnh về nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản tại xã An Hải. Đến cuối tháng 6, toàn huyện thả nuôi được 85ha, đạt 52,5% kế hoạch, diện tích thu hoạch đạt 95ha, sản lượng đạt 1.070 tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ. Riêng về sản xuất tôm giống, hiện trên địa bàn huyện có 72 trại đang hoạt động, từ đầu năm đến nay, sản lượng tôm post xuất bán đạt 5.184 triệu con, tăng 15,6% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực công nghiệp–tiểu thủ công nghiệp, thương mại–dịch vụ, luôn được huyện tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Hiện một số thương hiệu như: Nho sạch Ba Mọi, vang nho Thiên Thảo, trùn quế Vạn Long và các làng nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc... ngày càng thu hút đông du khách đến tham quan, mua sắm. Trong 6 tháng, giá trị sản xuất các ngành này đạt trên 600 tỷ đồng; trong đó công nghiệp–tiểu thủ công nghiệp tăng 18% và thương mại–dịch vụ tăng 5,7% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo... có nhiều chuyển biến tích cực.
Trước yêu cầu xây dựng nông thôn mới, hiện Ninh Phước đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu dân cư và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng ngày càng kiên cố hóa. Phối hợp triển khai Dự án Hỗ trợ Tam nông để nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực cho các xã, qua đó đã thành lập được 88 nhóm đồng sở thích về trồng nho, táo, rau an toàn và nuôi bò, dê, cừu. Qua rà soát, đánh giá, thẩm định, đến nay, huyện Ninh Phước đã có 4/8 xã: Phước Thuận, Phước Vinh, Phước Sơn và Phước Thái đạt từ 11–15 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Với tinh thần đổi mới để phát triển, trong 6 tháng cuối năm, huyện Ninh Phước tiếp tục vận động Nhân dân tập trung mọi nguồn lực để khai thác lợi thế, tiềm năng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng xây dựng nền sản xuất nông nghiệp có tốc độ phát triển nhanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu đề ra, đồng chí Nguyễn Thị Luyện nêu rõ: Từ sau thành công của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015–2020, ngoài việc triển khai Nghị quyết Đại hội đến tất cả các đảng viên trong toàn Đảng bộ, huyện Ninh Phước đã đề ra những giải pháp và quyết tâm cao để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết trở thành hiện thực trong cuộc sống. Theo đó, chủ trương của huyện là tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ trên cơ sở xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ tiên tiến, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến liên kết theo chuỗi giá trị giữa cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt với thu mua, sơ chế, tiêu thụ cho các loại cây, con mang thế mạnh địa phương như nho, táo, bò, cừu. Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2015, đưa kinh tế-xã hội của địa phương phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Văn Thanh