Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6-10/7 và cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 7/7 được dư luận nhìn nhận là “cột mốc lịch sử” và là “nấc thang cao hơn” trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Toàn diện được thiết lập giữa hai nước hồi năm 2013.
Kể từ khi bình thường hóa, quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển từng bước vững chắc với các chuyến thăm lẫn nhau thường xuyên hơn giữa các nhà lãnh đạo cấp cao. Kể từ năm 1995 đến nay, giữa hai nước đã có 5 chuyến thăm cấp cao gồm Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và George W. Bush thăm Việt Nam năm 2000 và 2006; Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ trong các năm 2005, 2007, 2008 và 2013.
Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ xác lập tháng 7/2013 trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tạo ra các cơ chế hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước trên 9 lĩnh vực ưu tiên gồm chính trị-ngoại giao; kinh tế-thương mại; khoa học-công nghệ; giáo dục-đào tạo; môi trường và sức khỏe; giải quyết hậu quả chiến tranh; quốc phòng-an ninh; bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; văn hóa, thể thao và du lịch. Năm 2015 kỷ niệm 20 năm bình thường hóa được cả hai bên nhìn nhận là năm có ý nghĩa quan trọng, đặt nền tảng cho những bước phát triển thực chất và sâu rộng hơn trong tương lai. Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam có thể có của Tổng thống Obama trong năm 2015 là sự tiếp nối logic của mối quan hệ ngày càng mở rộng này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton
tới thăm Việt Nam, chiều 2/7. Ảnh: Nguyễn Khang–TTXVN
Hợp tác kinh tế-thương mại là điểm sáng nhất trong quan hệ hai nước. Hoa Kỳ trong nhiều năm qua giữ vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt khoảng 36 tỷ USD so với 94,9 triệu USD năm 1994, trong đó Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ 28 tỷ USD. Năm ngoái, Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 vào Việt Nam với khoảng 700 dự án có tổng vốn đầu tư gần 10,7 tỷ USD. Hai nước đang cùng 10 đối tác khác đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở ra cơ hội lớn cho cả hai. Khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, số lượng du khách Hoa Kỳ vào Việt Nam đứng thứ 5, nhưng từ năm 2001 đã đứng thứ 2. Riêng năm ngoái đã có khoảng 443.000 lượt du khách Hoa Kỳ thăm Việt Nam, tăng 16% so với năm 2013. Từ năm 2010, Tổng thống Obama đã chọn Việt Nam là 1 trong 10 thị trường hàng đầu để thực hiện chủ trương tăng gấp đôi xuất khẩu của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2010-2015.
Hợp tác về giáo dục và đại học cũng là một điểm nổi bật trong bức tranh chung của quan hệ hai nước. Theo số liệu ngày 17/12/2014 của Viện giáo dục quốc tế Hoa Kỳ (IIE), trong niên khóa 2013-2014, sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học và cao đẳng của Hoa Kỳ là 16.579 người, đứng thứ 8 trong số những nước có đông sinh viên ở Hoa Kỳ và đứng đầu trong các nước khu vực Đông Nam Á. Có hơn 70% sinh viên Việt Nam học cấp đại học ở Hoa Kỳ và 17% cấp sau đại học. Trong buổi trò chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội về 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước ngày 6/3 vừa qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho biết Chính phủ Hoa Kỳ hiện đang ưu tiên thúc đẩy chương trình thiết lập đối tác lâu dài giữa các trường đại học của hai nước. Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright dự kiến thành lập trường Đại học Fulbright phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam với số vốn đầu tư ban đầu là 20 triệu USD.
Hợp tác y tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được xác lập từ rất sớm, được triển khai dưới nhiều hình thức và ở nhiều cấp độ. Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á cùng với 14 nước châu Phi từ tháng 6/2004 được chọn là quốc gia thí điểm nhận viện trợ từ Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR). Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác y tế và khoa học y học, mở đường cho hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực y tế nhằm đáp ứng với những thách thức và mục tiêu y tế trên toàn cầu trong thế kỷ 21. Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh vừa là một ưu tiên vừa là một cầu nối đầu tiên đưa quan hệ hai nước tiến tới bình thường hóa. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Rose Gottemoeller, trong 20 năm qua, các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Hoa Kỳ đã dành 80 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn và riêng trong năm 2015 đã chi 10 triệu USD cho các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Tháng 8/2012, Hoa Kỳ lần đầu tiên trực tiếp tham gia chiến dịch tẩy rửa chất độc da cam tại Đà Nẵng với chi phí 43 triệu USD.
Tiềm năng hợp tác về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được hai bên xác định là rất lớn. Kể từ năm 2000 khi hai nước ký hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ, mối quan hệ trong lĩnh vực này phát triển khá nhanh. Hiện các nhà khoa học hai nước đã có những hoạt động hợp tác ở nhiều mức độ khác nhau trên rất nhiều lĩnh vực, từ công nghệ thông tin, viễn thông, môi trường, biến đổi khí hậu, đại dương học, công nghệ sinh học, đến các hợp tác với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ trong các chương trình nghiên cứu không gian, hợp tác về phát triển năng lượng hạt nhân. Hiệp định hạt nhân dân sự 123 chính thức có hiệu lực từ ngày 10/9/2014, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hạt nhân dân sự đầy tiềm năng.
Tàu Hải quân Hoa Kỳ USS Fitzgerald (DDG 62) tại cảng Tiên Sa hồi tháng 4.
Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN
Quan hệ quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được xác lập ngay từ khi bình thường hóa năm 1995. Các dấu mốc trong lĩnh vực hợp tác này là sự kiện ngày 21/11/2003, tàu khu trục USS Vandegrift của Hoa Kỳ lần đầu tiên sau chiến tranh cập cảng Sài Gòn và các chuyến thăm của tàu chiến Hoa Kỳ tới Việt Nam nay đã trở thành thường lệ. Tháng 6/2009, tàu khảo sát đại dương USNS Heezen lần đầu tiên được phép tiến hành hoạt động tìm kiếm ở ngoài khơi Việt Nam. Việt Nam là quan sát viên trong các cuộc tập trận hải quân đa quốc gia do Hạm đội Thái Bình Dương và Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tổ chức. Hai bên cũng đã ký bản ghi nhớ thực hiện chương trình Megaports, theo đó Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam phát hiện và xác định vũ khí hủy diệt hàng loạt tại các hải cảng thương mại. Việt Nam cũng đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân đầu tiên tháng 4/2010 do Tổng thống Obama chủ trì.
Chính quyền Tổng thống Obama hoan nghênh quyết định của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tháng 9/2011, hai nước ký biên bản ghi nhớ (MOU) xác định 5 lĩnh vực thúc đẩy hợp tác quốc phòng gồm hợp tác an ninh hàng hải; hợp tác tìm kiếm cứu nạn; các hoạt động gìn giữ hòa bình; nhân đạo và cứu trợ thiên tai; hợp tác giữa các trường đại học quốc phòng và các viện nghiên cứu. Tháng 10/2014, Hoa Kỳ bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Hai bên cũng trao đổi nhiều đoàn quốc phòng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát biển với gói hỗ trợ 18 triệu USD Hoa Kỳ dành cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hàng hải. Đầu tháng 6/2015, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter, hai nước đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Cùng với việc phát triển quan hệ song phương, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã hợp tác ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái bình dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Liên hợp quốc. Washington xác định Việt Nam là một trụ cột trong hợp tác của Hoa Kỳ với ASEAN, coi ASEAN và Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chính sách tái cân bằng, duy trì an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Với sự phát triển liên tục và sâu rộng trong quan hệ song phương trong 20 năm qua, cho tới nay giữa hai nước đã thiết lập được 10 kênh đối thoại với mục đích xây dựng lòng tin cũng như xử lý các thách thức và các vấn đề còn khác biệt, trong đó có các kênh đối thoại quan trọng như Đối thoại về chính sách quốc phòng, Đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng, Đối thoại châu Á-Thái Bình dương và Đối thoại về nhân quyền.
Nguồn www.baotintuc.vn