Đồng chí Cao Thị Liên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo-Nữ công LĐLĐ tỉnh, cho biết: Hiện toàn tỉnh có trên 16.700 lao động nữ, chiếm hơn 53% trong tổng số CNVC-LĐ. Ghi nhận hơn cả là mặc dù trên vai đảm nhận cả “việc nhà, việc nước”, nhưng chị em đều rất nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, tích cực tham gia thi đua lao động, sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nữ Công nhân công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất.
Trung bình hàng năm, trên 80% chị đăng ký tham gia phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, trong đó hơn 75% chị đạt danh hiệu. Để có được kết quả này, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo Ban Nữ công các CĐCS triển khai tổ chức các phong trào thi đua, đề ra chỉ tiêu thi đua cụ thể, phù hợp với hoạt động chuyên môn, theo từng thời điểm, giúp chị em phát huy vai trò của mình. Công tác bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, chăm lo đời sống cho lao động nữ cũng được công đoàn các cấp quan tâm thực hiện. Từ đầu năm 2014 đến nay, LĐLĐ tỉnh phối với với ngành chức năng tổ chức 123 đợt kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách lao động nữ trong cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra cho thấy, việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ khá tốt. Các doanh nghiệp quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, bố trí công việc hợp lý cho lao động nữ. Thực hiện đầy đủ chế độ thai sản, không bố trí lao động nữ làm việc ca 3 khi đang mang thai cũng như chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho chị em sau khi sinh và nuôi con dưới 12 tháng tuổi… Các CĐCS còn tham mưu với chính quyền tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám thai, phụ khoa cho nữ CNVC-LĐ ít nhất một lần/năm. Nhân các dịp: Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu, các Ban Nữ công tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, khen thưởng cho con em CB, CNVC-LĐ có thành tích học tập tốt; thăm, tặng quà cho các em khuyết tật… Để góp phần giúp chị em cải thiện đời sống, Ban Nữ công nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp duy trì tốt các tổ Góp vốn xoay vòng, Tổ tiết kiệm, Quỹ tình thương, với mức đóng góp từ 100.000-500.000 đồng/tháng/chị; đồng thời tạo điều kiện giúp chị em vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và lo chi phí học tập cho con em mình.
Với những hoạt động chăm lo đời sống thiết thực, mang lại lợi ích thiết thân cho người lao động đã góp phần tích cực động viên, khuyến khích chị em an tâm công tác, tham gia học tập, trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị, đáp ứng tốt các yêu cầu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Có rất nhiều chị mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, hoặc chồng công tác xa nhà, con còn nhỏ, công việc gia đình bận rộn nhưng vẫn sắp xếp thời gian tham gia nghiên cứu khoa học, có nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa công việc phục vụ cho công tác chuyên môn được lãnh đạo cấp trên đánh giá cao. Điển hình như chị Nguyễn Thị Thu Hà, tổ trưởng Tổ May 20, Xí nghiệp III, Công ty TNHH may Tiến Thuận. Hơn 10 năm công tác, với tinh thần trách nhiệm, yêu nghề, chị Hà không ngừng học tập nâng cao tay nghề, kinh nghiệm quản lý, điều hành tổ sản xuất, chủ động sắp xếp lao động theo công việc, điều tiết chạy chuyền theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất, đảm bảo an toàn, hiệu quả và đạt năng suất. Tổ may do chị quản lý luôn vượt chỉ tiêu được giao và đứng đầu trong 27 tổ may toàn Công ty...
Đồng chí Cao Thị Liên cho biết thêm: Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban Nữ công công đoàn các cấp tiếp tục hướng hoạt động về cơ sở, làm tốt công tác tập hợp, vận động chị em tham gia vào phong trào thi đua yêu nước, điển hình là phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nữ CB, CNVC-LĐ, tăng cường phối hợp kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ, trên cơ sở đó đề xuất, tham mưu lãnh đạo cơ quan, đơn vị giải quyết kịp thời, làm tốt công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chăm lo đời sống cho lao động nữ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nữ công, giúp chị em phát huy vai trò, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nguyên Vũ