BHYT: Không quyết liệt khó đạt mục tiêu

Không mở rộng bảo hiểm y tế (BHYT), tin học hóa hệ thống y tế thì không thể thực hiện được đồng bộ nâng cao chất lượng KCB và kể cả liên quan đến việc xây dựng BV và cơ sở vật chất cho hệ thống y tế bên dưới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm 2015, chiều 1/7.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta có hệ thống BHYT mạnh gắn với nâng chất lượng KCB
lên thì mới thay đổi được chất lượng dịch vụ KCB cho nhân dân. Ảnh: VGP/Đình Nam

Các Bộ ngành, địa phương cần thẳng thắn nhình nhận, phân tích nguyên nhân, khó khăn trong việc đạt mục tiêu 75% dân số có thẻ BHYT và tin học hóa toàn bộ hệ thống y tế vào cuối năm 2015.

“Chúng ta cần xem xét nguyên nhân từng nhóm đối tượng tại sao không đạt chỉ tiêu. Tại sao một số nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30-70% tiền mua thẻ BHYT nhưng một số địa phương chưa vào cuộc hỗ trợ người dân một phần còn lại. Tại sao một số tỉnh, tôi được báo cáo có các huyện đảo, xã đảo chỉ vì không xác nhận thủ tục mà không cấp được thẻ BHYT cho người dân”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Tham gia BHYT: Tăng nhưng vẫn lo

T ính đến 31/5/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người , tương đương 4,4 % so với cùng kỳ năm 2014 , đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Riêng nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng hơn 400.000 người so với thời điểm cuối năm 2014, tương đương 5,4%.

Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh, năm 2015, ngành bảo hiểm xã hội đã tổ chức ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 2.089 cơ sở y tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức khám chữa bệnh (KCB) một cách thuận tiện nhất cho người bệnh BHYT. Sáu tháng đầu năm, Quỹ BHYT đã chi trả KCB cho gần 60 triệu lượt bệnh nhân BHYT với tổng số tiền gần 20 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, việc triển khai Luật BHYT vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu đạt tối thiểu 75% dân số có thẻ BHYT vào cuối năm 2015. Trong đó, kế hoạch triển khai của nhiều địa phương chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên và cụ thể, hiệu quả chưa cao; thủ tục qui trình đăng ký, lập danh sách tham gia BHYT còn phiền hà... Đặc biệt, tỷ lệ tham gia BHYT ở các nhóm đối tượng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân thực trạng trên do: Thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa được cải cách triệt để. Người dân thiếu thông tin do hệ thống đại lý bán thẻ BHYT không ổn định, có nơi cán bộ đại lý vừa tập huấn, ký hợp đồng bán thẻ BHYT xong thì tháng sau đã xin thôi việc. Nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho hộ gia đình cận nghèo khi tham gia BHYT.

Với những người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình thì hiện đa số các tỉnh, thành phố chưa xác định, lập danh sách, nên cơ quan BHXH chưa có căn cứ bán thẻ BHYT. Ngoài ra, quy định hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho đối tượng này khi tham gia theo hộ gia đình nhưng không giảm trừ mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi cũng là khó khăn.

Mặt khác, tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê có trên 40% DN còn nợ đóng, trốn đóng BHYT nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Tại hội nghị, ý kiến từ các địa phương cho thấy để tăng tỷ lệ người tham gia BHYT thì sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền, hệ thống chính trị hết sức quan trọng nhằm giúp người dân nhận thức được sự ý nghĩa việc mua BHYT đối với sức khỏe mỗi người. Bên cạnh đó là phát triển hệ thống KCB cơ sở, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT; sự chủ động của chính quyền trong việc triển khai hỗ trợ kinh phí cho người dân mua thẻ BHYT.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Gỡ từng việc, không cầu toàn

Trao đổi với các đại biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phân tích và chỉ đạo ngành Y tế, BHXH và các địa phương tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc.

Trước hết, Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp để nâng tỷ lệ mua BHYT trong học sinh, sinh viên đạt 100%. Cụ thể, tỷ lệ học sinh có thẻ BHYT đã đạt 90%, thì 10% còn lại, các trường cần tìm hiểu hoàn cảnh để vận động gia đình và các cháu đúng theo tinh thần BHYT (vừa chấp hành pháp luật, vừa đúng đạo lý “tương thân, tương ái”). Đối với sinh viên hiện đạt 78%, thì trong 22% chưa mua BHYT cần khảo sát kỹ nếu sinh viên thuộc hộ nghèo sẽ xem xét hỗ trợ nhưng cũng phải tính cả trường hợp nhiều sinh viên gia đình khá giả nhưng không tham gia BHYT.

Liên quan đến hỗ trợ đối tượng cận nghèo, Phó Thủ tướng nhận xét: 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có hộ cận nghèo nhưng mới có 33/63 địa phương có kế hoạch hỗ trợ cho đối tượng này mua thẻ BHYT, còn các địa phương khác vẫn đứng ngoài cuộc.

“Tôi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố còn lại phải vào cuộc. Đây là chủ trương lớn, không phải chỉ là chỉ tiêu thành tích mà nó còn có ý nghĩa lớn hơn thế. Chúng ta có hệ thống BHYT mạnh gắn với nâng chất lượng KCB lên thì mới thay đổi được chất lượng dịch vụ KCB cho nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.

Về đối tượng nông dân, diêm dân, ngư dân mà Nhà nước đã hỗ trợ 30% tiền mua thẻ BHYT, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh vận động người dân tham gia.

“Mình đi lần lượt từng đối tượng cụ thể. Dễ nhất là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ như người dân ở khu vực biển, đảo được bao cấp hết rồi mà chưa làm thủ tục cấp thẻ cho bà con thì không ổn”. Trên tinh thần đó, đối với câu chuyện mua BHYT theo hộ gia đình, Bộ Y tế, BHXH cần tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp tháo gỡ từng việc, từng vướng mắc.

“Các đồng chí nghiên cứu, kiến nghị cái gì thuộc thẩm quyền Thủ tướng thì Thủ tướng quyết, cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ bàn rồi quyết. Cái gì cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thậm chí báo cáo Quốc hội thì báo cáo. Bởi mục đích lớn nhất của Luật BHYT là để tiến tới BHYT toàn dân làm cơ sở nâng cao chất lượng KCB cho người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lấy ví dụ về sự phát triển hệ thống các đại lý BH phi nhân thọ của các công ty BH nước ngoài, Phó Thủ tướng yêu cầu BHXH cần khuyến khích mở rộng hệ thống đại lý kết hợp với ngành Bưu điện, các DN viễn thông nhằm đa dạng hóa các hình thức đóng BHYT, kết hợp với ngành Thuế, để đảm bảo các DN đóng đầy đủ, không nợ đọng BHYT.

Phó Thủ tướng lưu ý, không chỉ mở rộng các kênh bán BHYT, mà hệ thống KCB cũng phải phát triển tương ứng để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân theo hướng các cơ sở y tế (không phân biệt công lập hay ngoài công lập) nếu đủ điều kiện đều được BHYT thanh toán khi điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT.

“Đây là câu chuyện lớn. Chúng ta phải làm trên tinh thần cầu thị. Ví dụ con cháu đi làm hết, muốn đưa bố mẹ đi khám phải đợi thứ Bảy, Chủ nhật. Vì vậy, chúng ta phải mở ra. Đồng thời, ngành Y tế phải tích cực rà soát, sửa đổi lại các quy định để cửa khám dịch vụ hay khám bảo hiểm phải thuận lợi như nhau, giá dịch vụ xét nghiệm, chiếu, chụp cũng phải xem xét sao cho hiệu quả, thiết thực”, Phó Thủ tướng nói.

Tin học hóa để người dân KCB, thanh toán BHYT thuận tiện ở bất cứ đâu

Vấn đề tin học hóa hệ thống BHYT một lần nữa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh là yếu tố quyết định để vận hành hệ thống chính xác, nhịp nhàng; giải quyết được vấn đề chênh lệch số liệu cũng như trùng lắp, thiếu sót trong cấp thẻ BHYT. Và nhất là để người dân ở đâu, đi đâu cũng được KCB, thanh toán BHYT thuận tiện.

“Từ trước đến nay chúng ta đã tin học hóa mạnh và chi nhiều tiền cho lĩnh vực này. Đa số các tuyến từ BV huyện trở lên đã có dự án tin học hóa, đầu tư phần mềm, máy tính đầy đủ nhưng các đồng chí phải lưu ý đã làm tin học thì phải làm trên hệ thống toàn quốc thì mới có giá trị, nếu không sẽ không giải quyết được. Muốn vậy tất cả các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập phải làm đồng loạt, nối mạng đồng bộ từ cấp xã trở lên”.

Đánh giá cao quyết tâm của ngành Y tế, ngành BHXH trong việc triển khai thí điểm đề án thuê dịch vụ trong tin học hóa BHYT tại Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh thời gian qua, Phó Thủ tướng chính thức yêu cầu các địa phương quán triệt tinh thần phải tin học hóa từ hệ thống cơ sở y tế cấp xã lên đến huyện, tỉnh.

“Bộ Y tế và BHYT sẽ chọn đối tác thực hiện. Nơi được tin học hóa thì DN sẽ trang bị máy tính, phần mềm. Nơi có rồi thì rà soát, cập nhật phần mềm để đồng bộ, phù hợp với hệ thống chung. Địa phương không mất tiền nhưng các đồng chí phải quyết tâm làm, không được ngại khó khăn, vất vả”.

Phó Thủ tướng khẳng định: Tất cả BV và cơ sở y tế đã tin học hóa thì không có nghĩa sẽ xóa sạch hệ thống đó đi để làm lại mà đối tác cung cấp dịch CNTT cho cơ sở y tế có thể tiếp tục làm nếu cơ sở y tế thấy tốt nhưng phải theo đúng hướng dẫn để đấu nối hệ thống đồng bộ toàn quốc.

“Tin học hóa không chỉ phục vụ cho thanh toán BHYT mà sau này tất cả các dịch vụ về y tế, kể cả y tế dự phòng lẫn y tế điều trị đều qua hệ thống này. Chúng ta đặt thời hạn đến 31/12/2015 toàn bộ hệ thống y tế của Việt Nam phải được tin học hóa và nối mạng”, Phó Thủ tướng nói.

Nguồn www.chinhphu.vn