Ninh Thuận làm tốt công tác hỗ trợ cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn

(NTO) Đó là đánh giá của đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Ninh Thuận về những nội dung liên quan đến việc kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức thi THPT Quốc gia tại tỉnh Ninh Thuận sáng ngày 27-6.


 

Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phóng viên: Thưa đồng chí, qua kiểm tra, đồng chí có đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh Ninh Thuận?

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng: Theo báo cáo của Sở GD và ĐT và kiểm tra của chúng tôi, có thể khẳng định rằng công tác chuẩn cho kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã hoàn tất và được chuẩn bị khá chu đáo, Ban chỉ đạo cơ sở rất quyết liệt, đúng chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 1/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường Chỉ đạo công tác thi THPT. Hoạt động này không dừng ở vấn đề chỉ thị mà còn là sự chung tay của cả cộng đồng xã hội để cùng chuẩn bị tốt nhất cho kì thi. Đặc biệt với Ninh Thuận là tỉnh chúng tôi đặc biệt quan tâm vì có đối tượng thí sinh là đồng bào dân tộc thiểu số và hộ cận nghèo; tuy nhiên, tỉnh đã có những chính sách rất cụ thể hỗ trợ tốt nhất giúp các em tốt nhất để tham gia kỳ thi này. Và thí sinh ở cả hai cụm thi đều được quan tâm, tạo điều kiện rất tốt. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như của toàn thể nhân dân địa phương, tôi tin kỳ thi THPT Quốc gia 2015 của Ninh Thuận sẽ đạt kết quả tốt đẹp.

Phóng viên: Khi ngày thi đã gần kề, đồng chí có lưu ý gì đối với Ban chỉ đạo thi Ninh Thuận?

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng: Năm nay, là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi chung Quốc gia, đổi mới bao giờ cũng kèm theo những tình huống mới, cần chủ động để xử lý mọi tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Tôi lưu ý Ban chỉ đạo thi của tỉnh Ninh Thuận về công tác vận chuyển, bảo mật đề thi trong quá trình di chuyển; tỉnh cần tập huấn thật kỹ công tác thanh tra, giám sát, nghiệp vụ coi thi của cán bộ coi thi, công tác chấm thi, cũng như việc đảm bảo an ninh trường thi cần phải được làm thường xuyên, trên tinh thần và ý thức trách nhiệm cao nhất, để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Đồng thời, tạo cho thí sinh tâm lí hết sức thoải mái, tự tin, tránh lo lắng không cần thiết để các em hoàn thành kỳ thi một cách tốt nhất,phản ánh đúng nhất năng lúc của các em. Và trong quá trình đổi mới cho kỳ thi lần này, vai trò của truyền thông rất quan trọng; đề nghị Ban chỉ đạo thi hết sức hỗ trợ cho báo chí, truyền thông tác nghiệp, tuyên truyền cho kỳ thi trên tinh thần minh bạch, rõ ràng để toàn xã hội biết.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã dành cho Báo điện tử Ninh Thuận cuộc phỏng vấn này.

Năm nay, với số lượng gần 5.000 học sinh dự thi tại cụm thi Đà Lạt, cùng với việc hỗ trợ chi phí đi lại, chỗ ăn ở khi di chuyển lên Đà Lạt thi, 443 em thuộc diện khó khăn đã được tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/em, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh còn hỗ trợ toàn bộ vé xe đi và về. Học sinh thuộc hai trường phổ thông DTNT của tỉnh, Ban chỉ đạo của trường thi Đà Lạt thống nhất đưa đón, nhận bố trí chỗ ăn ở cho các em ngay tại trường.

UBND tỉnh Ninh Thuận, ngành giáo dục và các ban ngành đã hỗ trợ gần 5.000 thí sinh dự thi tại cụm thi tại Đà Lạt phương tiện di chuyển, chỗ ăn ở trong quá trình thi, kinh phí đi thi; bố trí lực lượng tại các bến xe để cùng gia đình thí sinh, hỗ trợ thí sinh trong công tác di chuyển.

Với 7 điểm thi tại địa phương (1.893 thí sinh chỉ để xét tốt nghiệp), tỉnh đã bố trí các điểm thi không quá xa, chuẩn bị sẵn sàng về phòng ốc, đội ngũ giáo viên coi thi, cán bộ chấm thi; về công tác nhận đề thi từ ĐH Nha Trang đã bố trí 4 cán bộ, lực lượng công an, an ninh đi kèm trong quá trình bàn giao đề thi cho các điểm thi. Những điểm thi xa, tỉnh đã có phương án ghép hội đồng để tránh di chuyển xa cho học sinh. Riêng với số học sinh của huyện Bác Ái được bố trí thi ngay tại trường của mình, tránh gây bất tiện cho thí sinh.

Năm nay, tổng số cán bộ làm công tác thi tại địa phương của tỉnh Ninh Thuận là 309 người. Trong đó có 194 giám thị, 98 cán bộ chấm thi, 15 thanh tra các điểm thi, có 11 người cắm chốt…lực lượng làm phách, Thanh tra công tác chấm thi và đội ngũ nhân viên phục vụ các hội đồng thi phục vụ cho gần 1.900 học sinh thi tại địa phương.