Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Chiều 25/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), trong đó tập trung cho ý kiến về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; về di chúc chung của vợ, chồng; về giới hạn chữ cái tên; về hình thức sở hữu…

Nhiều đại biểu đều thống nhất cho rằng, Bộ luật dân sự giữ một vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mỗi một điều, khoản của Bộ luật dân sự được sửa đổi đều có ảnh hưởng trực tiếp đến các quan hệ xã hội. Vì vậy, các đại biểu đề nghị việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất cứ một quy định nào cũng cần phải được cân nhắc thận trọng, nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng, đánh giá tác động xã hội đầy đủ, toàn diện; đồng thời cần giải trình rõ và thuyết phục hơn nữa lý do của việc sửa đổi, bổ sung đối với từng điều, khoản đó.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) phát biểu ý kiến tại hội trường. (Ảnh: TTXVN)

Góp ý cụ thể, liên quan đến di chúc chung của vợ/chồng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Nam Định) đề nghị, bổ sung thêm quy định trường hợp vợ/chồng còn sống tái hôn thì thời điểm có hiệu lực của di chúc chung đối với phần tài sản chung là thời điểm vợ/chồng còn sống tái hôn.

Cũng để đảm bảo đời sống của người vợ/chồng ổn định khi vợ/chồng mất đột ngột mà không để lại di chúc, thì Bộ luật dân sự (sửa đổi) cần bổ sung thêm nội dung nếu vợ/chồng chết trước mà không để lại di chúc thì tài sản chung của vợ/chồng là bất động sản duy nhất không được chia cho đến khi người vợ/chồng còn lại chết hoặc tái hôn lúc đó mới được chia.

Cũng bàn về di chúc chung của vợ/chồng, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) yêu cầu xem xét lại quy định vợ/chồng có thể sửa đổi di chúc chung bất cứ lúc nào nếu một bên không đồng ý thì người kia có quyền lập di chúc trong phần tài sản riêng của mình vì như vậy không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên.

Đại biểu Thanh Hòa lập luận, quy định di chúc chung nhằm định đoạt số tài sản chung về khía cạnh nào đó cũng là bảo vệ quyền lợi chung cho vợ/chồng khi một người không đứng tên tài sản. Tuy nhiên, nếu trong cuộc sống vợ chồng mâu thuẫn nhau thì có thể sửa đổi thậm chí hủy bỏ di chúc chung, lúc đó mỗi người đều có quyền lập di chúc tài sản riêng của mình. Khi đó phụ nữ ít nhiều có phần thiệt thòi vì thực tế rất ít phụ nữ có tên sở hữu các tài sản, việc chứng minh tài sản là rất khó khăn.

Về việc áp dụng tập quán và án lệ trong giải quyết án dân sự, nhiều đại biểu cho rằng, đây là quy định tiến bộ để đảm bảo tòa án không được quyền từ chối xử lý các vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị xem xét để quy định cẩn trọng, vừa đảm bảo giải quyết các vụ khởi kiện của người dân vừa đảm bảo sự công bằng, thấu lý đạt tình trong xét xử. Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề nghị, Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu toàn diện về vấn đề tập quán để đảm bảo tập quán quy định trong dự án bộ luật sau này áp dụng khi xét xử án dân sự phải là tập quán tốt đẹp, tiến bộ.

Đại biểu Khúc Thị Duyền cũng đề nghị, ban soạn thảo cũng phải quy định rõ về áp dụng tập quán đặc biệt là phong tục tập quán tốt đẹp. Tuy vậy, hiện nay còn nhiều phong tục tập quán phong kiến, lạc hậu, định kiến giới; do vậy cần phải tổng hợp, công bố rõ về những tập quán, truyền thống nào chúng ta được áp dụng trong Bộ luật này.

Cho ý kiến về quy định hạn chế độ dài của tên không quá 25 chữ cái, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Nam Định) đồng tình như dự thảo và cho rằng, hiện nay chúng ta có giấy nhiều loại giấy tờ, thẻ nhỏ gọn tiện ích cá nhân. Nếu tên quá dài thì không đủ chỗ ghi đầy đủ họ và tên, còn nếu viết tắt có thể sẽ gây hiểu lầm, khó khăn trong giao dịch, kiểm tra. Do đó, nếu không có giới hạn chữ cái tên họ thì khi người dân muốn đặt tên 100 chữ cái thì cơ quan nhà nước có chấp nhận hay không? Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý cơ quan soạn thảo cần làm rõ tính hợp lý tại sao giới hạn 25 chữ cái mà không phải là con số khác.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) nêu ý kiến, việc đặt tên ngoài việc đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội còn phải đảm bảo yếu tố bản sắc văn hóa, dân tộc. Thực tế cho thấy tất cả các văn bản hiện nay đều thống nhất ngôn ngữ văn bản phải là tiếng Việt, dễ hiểu. Nhìn xa ra thế giới mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ, chữ viết của mình và họ đều ra sức bảo vệ ngôn ngữ của mình. Bởi vậy, tại sao chúng ta lại lai căng để đánh mất bản sắc dân tộc. Nếu bỏ quy định này, vô hình chung chúng ta cổ súy cho trào lưu lai căng, làm xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, đại biểu Trần Ngọc Vinh tỏ ra băn khoăn về quy định về chuyển đổi giới tính trong dự thảo luật. Đây không chỉ là vấn đề nhạy cảm trong xã hội mà còn là một điều mới vì hiện nay còn thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh quan hệ của người chuyển giới.

“Tôi thấy quy định trong dự thảo không thống nhất với nhau. Một mặt nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác. Về nguyên tắc nếu nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì đương nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không cho phép thay đổi hộ tịch, quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Do đó quy định như trong dự thảo luật là thừa và không khả thi”- đại biểu Ngọc Vinh bày tỏ.

ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) tán thành với quy định sở hữu gồm 3 hình thức sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng. Quy định như trên là phù hợp với tình hình kinh tế thị trường của Việt Nam và quốc tế. Quy định sở hữu toàn dân là cần thiết để phù hợp với Hiến pháp do nhà nước là đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý các tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhưng cần có chế độ, pháp lý riêng về hình thức sở hữu này trong Bộ Luật dân sự để nhà nước thực hiện quyền sở hữu, sử dụng.

Ngoài ra, đại biểu góp ý việc quy định sử dụng hình ảnh của người đã chết phải có sự đồng ý vợ/chồng, con, trường hợp không có vợ/chồng, con phải được sử đồng ý của cha/mẹ. Vấn đề đặt ra nếu những người đó không có vợ/chồng, con mà cha/mẹ đều mất thì hỏi ý kiến ai, như trường hợp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không có vợ, con, và cha mẹ đều mất. Vì vậy, đề nghị quy định sử dụng hình ảnh của người đã mất phải có sự đồng ý của người được thừa kế theo pháp luật./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam