"Thu nhập" của người làm báo

(NTO) Nếu lựa chọn một công việc để làm giàu, có lẽ ít ai chọn nghề báo. Không phải bởi vì thu nhập của nghề bấp bênh hay nhuận bút thấp mà bởi vì, công việc này không “trả công” cho người theo nghề bằng tiền bạc hay vật chất đơn thuần.

Từ những chuyến đi…

Như cái “nghiệp” vận vào người, nhà báo lấy những chuyến tác nghiệp làm đam mê, làm ý nghĩa của cuộc sống. Họ tìm thấy trong mỗi hành trình truyền tải thông tin cái mà họ khao khát, lý tưởng của sự nghiệp mà bản thân theo đuổi. Đối với họ, những chuyến tác nghiệp mới chính là “thu nhập” mà nghề báo mang lại.

Để mang những thông tin đầy đủ, chính xác và nhanh nhất đến với bạn đọc, người làm báo luôn có mặt ngay tại “điểm nóng” của sự kiện, cùng sống với sự kiện. Và đó cũng chính là “cơ hội” đặc biệt đối với mỗi người làm báo, để đi, để trải nghiệm, để biết và dĩ nhiên là để viết, để kể cho độc giả câu chuyện báo chí. Niềm vui không chỉ nằm ở những bài viết được bạn đọc đón nhận, mà còn nằm ở đằng sau trang viết, ở mỗi phút giây trên đường tác nghiệp, ở những khó khăn vất vả mà họ phải vượt qua, ở cả vui buồn với hoàn cảnh tác nghiệp, với nhân vật, với sự kiện, với mỗi vùng đất họ đi qua.

Những ngày nghỉ lễ vắng nhà, những đêm giao thừa rong ruổi tác nghiệp, đi vào vùng lũ, lên vùng sâu, vùng xa, những chuyến công tác dài ngày,… đều đã trở thành một phần trong cuộc sống của người làm báo. Giờ giấc không ổn định, công việc khi nhàn rỗi lúc bận “tối tăm mặt mũi”. Ấy vậy mà “sướng”! Không ít nhà báo đã thừa nhận cái cảm giác nhiều ngày không đi cơ sở, không dấn thân vào cuộc sống thậm chí còn khó chịu hơn cả việc bài viết không được đăng.

…và tình yêu cuộc sống

Được đến những nơi mà không phải ai cũng có thể đến, được gặp gỡ, được chia sẻ, được hiểu những con người, những cuộc đời trên đường tác nghiệp chính là “suối nguồn” đam mê của người làm báo. Có mặt ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc đã bồi đắp cho mỗi nhà báo tình yêu với biển, đảo quê hương. Thấm thía những vất vả, khó khăn và đón nhận tấm chân tình của các cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân nơi đây đã làm “giàu” thêm tình cảm của mỗi cây viết, thôi thúc họ chuyển tải câu chuyện của mình cho độc giả, cũng là chuyển tải tình cảm, chuyển cả những rung động sôi nổi của trái tim mình cho bạn đọc. Rồi những chuyến tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, chứng kiến sự thiếu thốn trong cuộc sống, lắng nghe những ước mơ giản dị của thầy và trò nghèo vùng cao, biết bao nhà báo đã “gieo” vào đời sống xã hội những cuộc vận động quyên góp, những chương trình từ thiện ý nghĩa, góp phần mang lại cho “nhân vật” của mình niềm tin và hy vọng. Còn biết bao câu chuyện về tình yêu, cuộc sống đã được nhà báo góp nhặt trên đường thực hiện nhiệm vụ thông tin của mình!

Tình yêu ấy cũng chính một “sự bù đắp” xứng đáng cho những nhà báo chân chính, đã can đảm dấn thân, cống hiến hết mình cho nghề nghiệp. Người làm báo “giàu có” thật sự là người có một cuộc đời hoạt động báo chí sinh động, sôi nổi với những chuyến tác nghiệp ý nghĩa, tích lũy được cả kinh nghiệm, vốn sống và tình yêu với nghề nghiệp, với cuộc đời.