Đại biểu Phùng Đức Tiến phát biểu ý kiến tại kỳ họp. (Ảnh: TTXVN)
Thảo luận về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP.Cần Thơ) và một số đại biểu khác đề nghị không quy định trong Luật về số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ vì như vậy, tùy theo tình hình thực tế phát triển của đất nước và yêu cầu tổ chức bộ máy của Chính phủ từng thời kỳ, sẽ tạo điều kiện chủ động hơn trong việc Quốc hội quyết định cơ cấu của Chính phủ, bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình. Như vậy, đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội sẽ quyết định cụ thể số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ cho nhiệm kỳ đó theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 95 của Hiến pháp: “Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định”.
Tuy nhiên, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cùng một số đại biểu khác thì cho rằng, cần quy định cụ thể số lượng thành viên Chính phủ, số lượng các bộ, các cơ quan ngang bộ, vì cho rằng hiện nay các lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách đều đã được xác định rõ và cơ bản hợp lý. Việc quy định rõ số lượng, tên gọi của các cơ quan này trong Luật sẽ bảo đảm tính ổn định cho cơ cấu của Chính phủ. Hơn nữa, quá trình tổ chức tinh giản biên chế đang là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước thực hiện. Do vậy, Chính phủ cần đi đầu trong việc cụ thể hóa tổ chức bộ máy nhân sự của Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương làm theo.
Đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) đồng tình số lượng thứ trưởng như quy định dự thảo Luật. Cụ thể, mỗi bộ tối đa 5 thứ trưởng, riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không quá 6 thứ trưởng. Tuy nhiên, đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị riêng Bộ Ngoại giao để số lượng mở. Số lượng thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ thuộc vào quan hệ quốc tế, nên “ghi mềm” vào Luật này là số lượng sẽ do Chính phủ đề nghị căn cứ trên hoạt động đối ngoại của nhà nước và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể số lượng tối đa Phó Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo Luật.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị cần bổ sung thêm quyền lợi hợp pháp các tổ chức, cá nhân. Đây cũng là một đối tượng quan trọng cần được Chính phủ bảo vệ. Cụ thể, dự thảo Luật cần sửa lại: “Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền lợi hợp pháp các tổ chức, cá nhân, quyền con người, quyền công dân”.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị, vấn đề hòa hợp dân tộc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là một nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ, do vậy vấn đề này nên tách thành một điều riêng trong Luật để có một vị trí xứng đáng hơn, tương xứng hơn.
Về nguyên tắc hoạt động của Chính phủ, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP.Cần Thơ) đề nghị quy định rõ hơn, đầy đủ hơn nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; đồng thời làm rõ thêm trong Luật về phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương, đảm bảo quyền thống nhất quản lý của Chính phủ; phát huy tốt quyền tự chủ, quyền tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, thực hiện xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ hơn trong Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong bộ máy nhà nước; đồng thời đề nghị bổ sung một số quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; cũng như tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác đề nghị không bổ sung thẩm quyền này trong dự thảo Luật.../.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam