Nếu chúng ta muốn con em mình biết quan tâm đến người khác, trước hết người lớn phải là tấm gương cho các em noi theo, khi đó các em mới biết thế nào là sống có trách nhiệm, quan tâm đến người khác.
Ảnh minh họa.
Trong sinh hoạt hàng ngày, là cha mẹ, chúng ta luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con cái. Muốn vậy, chúng ta nên dạy con phải biết quan tâm và chia sẻ với người khác, không nên vị kỷ, cá nhân, chỉ biết mình mà không chú ý đến cảm nhận người khác. Tạo cơ hội cho các em quan tâm, biết ơn với người khác bằng những việc làm đơn giản như giúp đỡ bạn trong việc học, đôi lời thăm hỏi khi bạn ốm đau, tinh thần trách nhiệm với tập thể, bạn bè... Không đơn thuần chỉ là mối quan tâm tới gia đình và bạn bè mà phải rộng hơn là cộng đồng. Dạy trẻ thói quen thể hiện lòng biết ơn, trở thành người giàu lòng vị tha. Trẻ sẽ học các kỹ năng sống thông qua việc quan sát cách sống của những người lớn mà trẻ tôn trọng. Để con trẻ luôn tin tưởng, chúng ta cần tôn trọng suy nghĩ và lắng nghe quan điểm của chúng, làm cho chúng hiểu chúng ta muốn trẻ quan tâm tới người khác như thế nào. Muốn phát triển khả năng quan tâm, cách tốt nhất là để các em tự do phát triển cảm nghĩ, không nên ngăn chặn tình cảm của trẻ, nếu bị dồn nén có thể hạn chế khả năng đón nhận.
Hãy giúp trẻ hiểu rằng an ủi người khác phải bằng lòng chân thành của mình, không nên thể hiện sự quan tâm giống như một phép xã giao, điều đó dễ làm tổn thương người khác. Biểu lộ sự quan tâm chân thành đối với người khác giúp bản thân có thêm nhiều bạn bè. Nếu sống mà biết quan tâm đến người thân, bạn bè thì cuộc sống càng thêm ý nghĩa. Tuy nhiên, việc quan tâm cũng cần đúng nơi, đúng lúc, không nên thái quá… có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người được quan tâm, nếu không có thể dẫn đến phản tác dụng.
Dạy trẻ sự quan tâm và chia sẻ, chính là bạn đã gieo mầm thiện trong tâm hồn trẻ. Sự kiên trì của cha mẹ sẽ góp phần làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Minh Uyên