Trong đó, chỉ số nhóm hàng hóa tăng 0,46%, chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,49%. Đáng nói là trong khi nhóm hàng lương thực-thực phẩm chỉ tăng nhẹ 0,08%, ngược lại nhóm hàng phi lương thực- thực phẩm tăng khá cao với 0,98% so với tháng trước.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo phân tích của các nhà chuyên môn cho thấy, các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,07%, trong số này mặt hàng lương thực giảm 1,07% chủ yếu giá gạo tẻ giảm từ 300-500đ/kg do tại địa phương đang thu hoạch lúa vụ đông- xuân; thực phẩm tăng 0,37% do ảnh hưởng giá rau tươi, giá trái cây tăng… theo nhu cầu khá cao của người tiêu dùng trong những ngày hè nóng bức. Không những vậy, giá đường cũng tăng mạnh (tăng 2.000đ/kg so với tháng trước) do chi phí vận chuyển tăng cũng góp phần “đẩy” nhóm hàng này tăng lên.
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,04% so với tháng trước; đây là tháng ảnh hưởng mạnh nhất của đợt tăng giá điện (tăng 7,5%) vào giữa tháng 3 vừa qua đến nay. Nhu cầu xây dựng vào mùa hè tăng cao đã đẩy giá vật liệu xây dựng tăng 0,57%, chủ yếu là giá xi măng và sắt thép tăng… Nhóm giao thông, tăng 1,66% so với tháng trước; tăng chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu và dịch vụ giao thông công cộng. Nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,07%; đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm mặt hàng do kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 6 ngày, nhu cầu du lịch tăng đã làm cho giá các tour du lịch trong nước tăng 20%; tính bình quân trong tháng 5, giá các tour du lịch tăng 5,20%; giá phòng nhà nghỉ, khách sạn tăng 7,14%.
So với tháng trước, chỉ số giá vàng tăng nhẹ và dừng ở mức 0,10% nhưng giảm 6,76% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đôla Mỹ tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,59% so với cùng kỳ.
Theo dự báo, CPI tháng 6 sẽ có mức tăng nhẹ do tác động của giá xăng dầu tiếp tục điều chỉnh tăng vào ngày 20-5 và nhu cầu tiêu thụ điện tiếp tục tăng cao trong những ngày nắng nóng…
Hạ Huyền