Thảo luận về Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), đa số ý kiến đánh giá so với Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã hoàn thiện hơn một bước đáng kể. Tuy nhiên, các ý kiến cũng tập trung đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của kiểm toán nhằm nâng cao tính trung thực, minh bạch, giá trị pháp lý của kiểm toán.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng: Dự thảo quy định còn nặng về xác định quyền của Kiểm toán nhà nước mà chưa quy định rõ ràng trách nhiệm về nghĩa vụ của Kiểm toán nhà nước. Điều này cho thấy Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) còn nặng về tổ chức kiểm toán nhà nước chứ chưa đại diện cho Quốc hội, toàn dân ban hành Luật chung có thể công bằng khách quan với mọi đối tượng khi tham gia các hành vi được Luật điều chỉnh.
Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến giải trình tiếp thu của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) nhưng điều khiến đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) băn khoăn là trách nhiệm của kiểm toán đề cập trong dự thảo Luật khá mờ nhạt. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng: Dự thảo Luật sửa đổi đã tăng thêm đáng kể nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán, nhưng quy định về trách nhiệm của kiểm toán còn chưa tương xứng. Cần có quy định rõ ràng về việc chịu trách nhiệm trước pháp luật của kiểm toán.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Quyền phát biểu ý kiến tại Hội trường.
(Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Thuyền dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp (DN) kiểm toán xong một thời gian ngắn sau đã thấy chủ doanh nghiệp bị bắt giam, khởi tố. Hay có DN kiểm toán xong, thanh tra vào kiểm tra phát hiện ra đầy rẫy những sai phạm, nhưng chủ DN chịu hết trách nhiệm chứ kiểm toán không chịu trách nhiệm gì. “Thử hỏi trong những vụ việc như thế kiểm toán có phát hiện sai phạm của DN không? Nếu DN bị khởi tố, bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm?”- ông Thuyền đặt câu hỏi và nhấn mạnh, luật đã quy định rất rõ quyền và nhiệm vụ của kiểm toán thì cũng phải quy định rõ ràng, dứt khoát trách nhiệm. “Nếu anh vừa kiểm toán xong, DN bị khởi tố, đi tù thì anh cũng phải chịu trách nhiệm” – Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trong trường hợp cơ quan này không phát hiện được sai phạm tại đơn vị được kiểm toán nhưng sau đó cơ quan điều tra phát hiện ra sai phạm. Bên cạnh đó, dự thảo luật cần bổ sung thêm quy định mang tính nguyên tắc "hoạt động của cơ quan kiểm toán không được làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị được kiểm toán”. Đây là nội dung đã được quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Thanh tra và mang tính nguyên tắc. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền đề nghị, Quốc hội cần quy định trách nhiệm bắt buộc phải chuyển cơ quan điều tra của kiểm toán trong trường hợp khi tiến hành kiểm toán phát hiện hoặc bắt buộc phải phát hiện dấu hiệu vi phạm của đơn vị được kiểm toán. Bởi, đây là thẩm quyền lớn, cần quy định chặt chẽ, nếu không rất dễ bị lạm dụng.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng nhất trí rằng, “Luật phải quy định rõ trách nhiệm của Kiểm toán để khi có vấn đề phát sinh thì dễ dàng quy trách nhiệm, xử lý rõ ràng".
Về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, đa số các đại biểu tán thành với dự thảo luật quy định báo cáo kiểm toán chỉ có giá trị pháp lý mang tính bắt buộc đối với đơn vị được kiểm toán phải thực hiện khi đơn vị đó có sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu quan điểm: Để bảo đảm nguyên tắc công khai minh bạch, làm rõ nghĩa hơn quy định của pháp luật, dự thảo luật cần bổ sung quy định thêm báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi được phát hành và công bố công khai, phải bắt buộc thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công. Điều này có nghĩa là chỉ sau khi báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được lập theo đúng trình tự, được phát hành chính thức và công khai theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, mới có giá trị pháp lý và mới bắt buộc phải thi hành.
Theo đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), nếu không quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán sẽ phát sinh thêm thủ tục, phát sinh thời gian phải chờ đợi các cơ quan quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực xem xét, thừa nhận mới có giá trị thi hành. Điều này sẽ làm chậm lại quá trình thực thi, khắc phục các sai phạm. Để bảo đảm kỷ luật tài chính nghiêm minh cần giữ nguyên quy định của dự thảo luật...
Trái với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ mang chức năng đánh giá, xác nhận kết luận kiến nghị, không mang giá trị bắt buộc phải thực hiện. Báo cáo này chỉ có giá trị bắt buộc thực hiện khi cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp trên của đơn vị kiểm toán có kết luận. Các đơn vị được kiểm toán có nhiệm vụ phải trả lời kiểm toán nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên và khi cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có ý kiến thì bắt buộc phải thực hiện.
Nhiệm kỳ Tổng Kiểm toán Nhà nước: 5 hay 7 năm?
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày, Ủy ban này đề xuất Quốc hội cho giữ nguyên nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 7 năm và không quá 2 nhiệm kỳ liên tục.
Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là, giữ nguyên nhiệm kỳ Tổng KTNN là 7 năm sẽ bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của KTNN, phù hợp với trách nhiệm trong kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước, thông lệ quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn thực tiễn thực thi Luật KTNN trong những năm qua cho thấy, quy định về nhiệm kỳ của Tổng KTNN không phát sinh vướng mắc.
Nhất trí với dự thảo luật, các đại biểu Vương Đình Huệ (Bình Định), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đồng tình với quy định giữ nguyên nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm và không quá 2 nhiệm kỳ liên tục.
Đại biểu Vương Đình Huệ phân tích: Quy định như vậy nhằm bảo đảm tính đặc thù của Kiểm toán Nhà nước, phù hợp với trách nhiệm trong kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước và thông lệ quốc tế. Kiểm toán Nhà nước là cơ quan đặc thù, mang tính độc lập, do Quốc hội lập ra nhưng Kiểm toán Nhà nước không phải cơ quan thuộc Quốc hội. Để bảo đảm tính ổn định, hầu hết các nước quy định nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước không theo nhiệm kỳ của Quốc hội…
Tuy nhiên, không đồng tình về nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước quá dài, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu quan điểm, nhiệm kỳ chỉ nên kéo dài 5 năm. “Các cơ quan Quốc hội bầu nhiệm kỳ chỉ 5 năm, tại sao kiểm toán lại đòi đặc quyền nhiệm kỳ tới 7 năm?”- ông nói và đề xuất, dự thảo luật nên đưa ra 2 phương án nhiệm kỳ 5 năm và 7 năm để các ĐBQH bỏ phiếu, quyết định. Còn riêng nhiệm kỳ của chức danh Phó tổng KTNN thì không nhất thiết phải theo nhiệm kỳ Quốc hội do đây là công chức Nhà nước và theo Luật Công chức thì nhiệm kỳ quy định là 5 năm.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng cho rằng, nhiệm kỳ của Tổng KTNN chỉ nên là 5 năm. Ông phân tích, theo nguyên tắc thì nhiệm kỳ Tổng KTNN phải là bội số của 18 tháng (thời hạn quyết toán ngân sách Nhà nước) hoặc 2 năm mới phù hợp. Thêm nữa, KTNN không chỉ có mỗi Tổng KTNN làm việc mà đó là cơ quan, tổ chức, dưới Tổng KTNN còn có các Phó tổng KTNN. Tổng KTNN này hết nhiệm kỳ thì bộ máy vẫn tiếp tục vận hành theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.
Trước quan điểm còn nhiều ý kiến khác nhau về nhiệm kỳ của Tổng KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với quan điểm mà các đại biểu đưa ra, Quốc hội sẽ đưa ra 2 phương án: Nhiệm kỳ Tổng KTNN là 7 năm và 5 năm để các ĐBQH biểu quyết.
Cho ý kiến về quy định về thời hạn kiểm toán, đa số ý kiến tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật quy định thời hạn kiểm toán là 60 ngày, trường hợp cần thiết cho phép Tổng Kiểm toán Nhà nước được quyền gia hạn một lần nhưng không quá 30 ngày; riêng đối với cuộc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả có quy mô toàn quốc, giao cho Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định cho phù hợp.
Ngoài các nội dung trên, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh và mục đích hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; về đơn vị được kiểm toán; về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động Kiểm toán Nhà nước…
Trước đó, cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phí, lệ phí; nghe Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật phí, lệ phí.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 có nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, cần thiết ban hành Luật phí và lệ phí. Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra: Danh mục phí, lệ phí quy định trong Dự thảo Luật chưa toàn diện, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; chưa rõ về tên gọi với nội hàm của một số loại phí, lệ phí. Vì vậy, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính cụ thể và nhằm tránh tình trạng phụ thu, lạm bổ, tạo gánh nặng đóng góp của người dân, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, phân loại theo nhóm ngành cụ thể.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam