TS. Trương Tiến Hưng
Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh
Trong thời gian bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp cận được nền văn minh pháp lý mà nhân loại đã sáng tạo ra qua các cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở các nước phương Tây. Năm 1919, Người đã gửi Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam đến Hội nghị Véc-xây, đòi được ghi trong pháp luật ở các nước thuộc địa quyền của người dân, yêu cầu thực hiện “thần linh pháp quyền”, dù là pháp quyền tư sản được thực hiện ở Đông Dương.
Sau khi lãnh đạo Nhân dân ta làm cuộc Cách mạng Tháng Tám, xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến thành công, trong điều kiện cấp bách phải chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vận mệnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Hồ Chí Minh chủ trương Tổng tuyển cử sớm để thiết lập được Bộ máy Nhà nước do toàn thể nhân dân lựa chọn và soạn thảo ra Hiến pháp của chế độ mới. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được toàn dân hưởng ứng và bầu ra Quốc hội khoá I. Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 9-11-1946.
Hiến pháp mới khẳng định Nhân dân là người chủ của chế độ. Nước Việt Nam là nước Dân chủ Cộng hoà. Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung-Nam-Bắc không thể phân chia. Hiến pháp do Nhân dân ta xây dựng lên là nền tảng của Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền kiểu mới, dân tộc, dân chủ, nhân dân. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân, không phân biệt nòi giống, trai, gái, giai cấp, tôn giáo. Đó là thành quả của những hy sinh to lớn mà dân tộc ta đã phải trả giá trong cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân, xoá bỏ chế độ phong kiến. Trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 nêu rõ nguyên tắc: “Đoàn kết toàn dân, không phân biệt nòi giống trai, gái, giai cấp, tôn giáo. Đảm bảo các quyền tự do dân chủ. Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của Nhân dân”.
Thực hiện Hiến pháp mới, với sự chèo lái tài tình, sáng suốt của Bác, dân tộc Việt Nam đã vượt qua những thử thách, khó khăn, thực hiện thắng lợi cuộc trường kỳ kháng chiến, từng bước đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam. Trong suốt quá trình đó, Hồ Chí Minh luôn giữ vững quan điểm “Xây dựng chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của Nhân dân”, vì Người đã thấu hiểu, thực hiện chế độ dân chủ trước hết là quyền tự quyết định lấy số phận của mình, quyền bình đẳng dân tộc, việc bảo đảm tự do, dân chủ, hạnh phúc của Nhân dân phải do chính Nhân dân nước đó xây dựng lên. Bác cũng đã nhiều lần căn dặn: Nhân dân rất thông minh, một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt là chính quyền “được lòng dân”.
Trong Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đọc tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 18-12-1959, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Hiến pháp Việt Nam phải ghi rõ những thành tích vẻ vang của cách mạng và phải xây dựng trên nguyên tắc đoàn kết toàn dân, đảm bảo các quyền tự do dân chủ, thực hiện chính quyền mạnh mẽ của Nhân dân”.
Có thể nói, tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh hòa đồng với ý chí độc lập, tự cường của dân tộc, tạo thành nguyên lý chỉ đạo công tác xây dựng chính quyền nhà nước, thực hành dân chủ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Giá trị bền vững của tư tưởng “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của Nhân dân” chỉ thực sự “mạnh mẽ, sáng suốt” khi nó thực hành bảo đảm tự do, dân chủ cho Nhân dân, khi Nhà nước và pháp luật trở thành trung tâm bảo đảm chắc chắn cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để bảo đảm tự do, dân chủ của Nhân dân thì cần phải có một chính quyền Nhà nước mạnh mẽ, và để có một Nhà nước thật sự “mạnh mẽ, sáng suốt” nhằm phục vụ Nhân dân thì Nhà nước đó phải phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn dân tộc. Do đó, giá trị tư tưởng “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của Nhân dân” không chỉ được xác định bằng vị trí pháp lý tối cao trong các nguyên tắc hiến định, mà giá trị đó phải được thực hành trên cơ sở quyền và lợi ích của Nhân dân và của cả dân tộc, được bảo vệ trên thực tế bằng pháp luật trên cơ sở quyền lực Nhà nước.
Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của Nhân dân”, chúng ta thấy yêu cầu đặt ra trong việc thực hiện nguyên tắc này là phải bằng hoạt động thực tiễn trong việc xây dựng hệ thống chính quyền Nhân dân thực sự đủ năng lực tổ chức, quản lý, điều hành có hiệu lực, hiệu quả để giải quyết đúng đắn các nhiệm vụ chủ yếu của Nhà nước trong mỗi giai đoạn lịch sử. Đồng thời, mỗi cán bộ, mỗi chính quyền các cấp cần phải nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chính quyền nhân dân để thực hiện công tác xây dựng chính quyền nhân dân trên cả ba mặt tổ chức, hoạt động và công tác cán bộ, nhằm thực hiện đúng bản chất chính quyền của Nhân dân.
Thực hiện quan điểm “Đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong kết luận Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, thì việc tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của Nhân dân” để vận dụng phù hợp trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.