Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc về công tác chuẩn bị
kỳ thi THPT quốc gia tại Hải Dương. Ảnh: VGP/Đình Nam
Theo Phó Thủ tướng, kỳ thi lần này về lâu dài nhằm đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy, đồng thời khắc phục bất cập trong việc phân luồng tuyển sinh ĐH, CĐ và giảm bớt nhiêu khê cho xã hội. “Tinh thần của Chính phủ chỉ đạo là dù có khó cho ngành Giáo dục, nhưng bớt nhiêu khê, bớt phiền phức cho dân thì vẫn phải làm”.
Không chạy theo thành tích
Quán triệt tinh thần này, UBND tỉnh Hải Dương tập trung chỉ đạo các sở, ngành triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia THPT 2015 từ sớm. Năm nay, Hải Dương có 20.635 thí sinh đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, số thí sinh dự thi tại cụm thi do các trường đại học chủ trì chiếm 60,55%; số thí sinh dự thi tại cụm do Sở GD&ĐT chủ trì là 39,45%.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp và giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức và biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về mục tiêu, tính chất quan trọng của kỳ thi, từ đó có sự đồng thuận đối với chủ trương cũng như phương án, cách thức tổ chức kỳ thi. Đồng thời phổ biến cho cán bộ, giáo viên và học sinh hiểu và nắm rõ Quy chế thi, đặc biệt những điểm mới của kỳ thi.
Về tỷ lệ gần 40% học sinh Hải Dương chỉ đăng ký dự thi tốt nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cả học sinh lẫn phụ huynh đã nhận thức rõ ràng hơn về định hướng nghề nghiệp thay cho tâm lý cứ tốt nghiệp là đi thi đại học, cũng không cần biết có đỗ hay không.
Ở góc độ quản lý vĩ mô, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Nghĩa phân tích, con số 40% thí sinh ở Hải Dương nói riêng và gần 280.000 thí sinh cả nước thi để xét tốt nghiệp cho thấy, việc đổi mới thi đã có tác động vào công tác phân luồng sau THPT khi học sinh đã biết lượng sức mình.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẳng định từ trước đến nay địa phương luôn thực hiện đúng theo quy định của Bộ Bộ GD&ĐT, chưa bao giờ chạy theo thành tích và cam kết “sẽ tổ chức kỳ thi đáp ứng mục tiêu và đảm bảo nguyên tắc an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không để xảy ra sai sót nghiêm trọng; xử lí tốt các tình huống bất thường (nếu có). Thực hiện tất cả các khâu của kỳ thi chính xác, đúng quy trình, kỹ thuật”.
Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia THPT 2015 đã hoàn tất. Việc tổ chức 2 cụm thi xét tuyển vào ĐH, CĐ và xét tuyển tốt nghiệp đều diễn ra trong khuôn khổ 1 quy chế, 1 quy trình kỹ thuật, trong đó sự phối hợp giữa Sở GD&ĐT địa phương và các trường đại học được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các trường đại học với địa phương là giải pháp trước mắt, còn giải pháp lâu dài là mỗi cán bộ coi thi phải làm tốt công việc của mình để tổ chức thi ở đâu cũng phải nghiêm túc tiến tới học sinh có thể thi ngay tại trường học.
Giảm những áp lực không đáng có
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh bên cạnh bảo đảm các khâu chuẩn bị để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực thì công tác thông tin, giải đáp các khúc mắc của người dân sẽ góp phần tạo sự đồng thuận, giảm áp lực không đáng có cho kỳ thi.
Đơn cử Bộ GD&ĐT cần giải thích rõ với quy chế kỳ thi năm nay, thì những học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp sẽ không gặp phải áp lực nhưng vẫn đảm bảo phân hóa tốt để vào đại học. Cụ thể, dù thi ở cụm thi xét tuyển ĐH, CĐ hay chỉ xét tốt nghiệp, thí sinh vẫn có cơ hội học ĐH, CĐ theo phương án tuyển sinh riêng của các trường. Trong khi việc chỉ xét tốt nghiệp không xếp loại khá, giỏi sẽ góp phần làm giảm bệnh thành tích, cùng với đó là sự tham gia của các trường ĐH từ giám sát, trông thi, chấm thi tại các cụm thi địa phương giúp giảm áp lực, giảm nguy cơ nảy sinh tiêu cực tại các điểm, cụm thi.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải kịp thời giải đáp thắc mắc của người dân, đưa thông tin lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và những trường tổ chức thi riêng. Bên cạnh đó, phải khảo sát tại những địa phương mà học sinh chỉ thi tốt nghiệp nhưng phải đi rất xa để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Đồng thời phải tiếp thu các ý kiến góp ý về đề thi, phân luồng tốt để chọn được học sinh giỏi vào đại học. Phần mềm tuyển sinh phải công khai, minh bạch sao cho sau khi có kết quả, thí sinh không phải mất công đi lại để làm thủ tục xét tuyển.
Các địa phương phải quán triệt yêu cầu tổ chức kỳ thi nghiêm túc, đảm bảo kết quả thật trung thực. Tuyệt đối không để có chuyện học không tốt nhưng bằng cách trông thi hay chấm thi điểm lại cao.
“Đổi mới là quá trình liên tục. Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Chính phủ muốn đổi mới kỳ thi nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, đảm bảo nghiêm túc, trung thực, đúng pháp luật, thật thuận lợi cho dân, lấy kết quả này để lọc đầu vào ĐH, CĐ”, Phó Thủ tướng nói.
Nguồn chinhphu.vn