Người là niềm tin tất thắng

(NTO) Trong mạch nguồn ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Phạm Tuyên trong nhạc phẩm Từ Làng Sen, đã viết: “Từ làng Sen, có một người trai chí lớn, mang lý tưởng cách mạng, giải phóng quê hương. Ra đi tìm khắp bốn phương, đường đi cho cả dân tộc, dặm trường mà xông pha...”

“Chí lớn” toàn thắng của người trai làng Sen Nguyễn Tất Thành năm nào – sau này là Bác Hồ kính yêu của chúng ta, luôn nung nấu trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Ngay từ thuở đất nước còn bị đè nặng dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, nhân dân còn bao nỗi lầm than, nhiều cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu thì chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã tin tưởng rằng dân tộc ta nhất định sẽ giành được độc lập, đất nước rồi có ngày sẽ sạch bóng ngoại bang xâm lược.

Với ý chí ấy, năm 21 tuổi, Bác quyết ra đi tìm đường cứu nước. Nơi đến đầu tiên mà Người chọn là nước Pháp, sào huyệt thực dân đang cai trị nước ta, để hiểu rõ hơn về kẻ thù. Lúc đó, Người đã từng tâm sự với người bạn của mình: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Ngay trên đất Pháp, Bác Hồ từng khẳng định với các lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Pháp rằng cách mạng Nga đang bị tiến công nhưng họ sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. “Trước khi đánh gục chủ nghĩa tư bản, chúng ta còn trải qua nhiều gian truân nhưng thắng lợi nhất định thuộc về chúng ta” Người tin tưởng vậy.

Không chỉ ở Pháp, Bác Hồ còn hoạt động cách mạng ở nhiều quốc gia, châu lục nhằm mở mang tri thức của mình. Với bất kỳ nơi đâu, trong thời điểm nào, gian khổ ra sao, Người luôn vững tin vào thắng lợi của ngày mai. Niềm tin tất thắng của Bác vững vàng ngay cả lúc bị giam cầm trong lao tù của Tưởng Giới Thạch: “Trong ngục giờ đây còn tối mịt/ Ánh hồng trước mặt đã bừng soi” (Tảo – Ngục trung nhật ký)

Chỉ một năm sau khi cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vào mùa Thu 1946, tinh thần lạc quan, quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện: “Dù phải gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”. Chín năm trường ký kháng chiến chống thực dân Pháp sau đó, có những lúc tình thế quân ta như “ngàn cân treo sợi tóc”, Người vẫn không hề nao núng, làm thơ để cổ súy tinh thần chiến đấu của bộ đội trong chiến dịch Biên giới 1950: “Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy…” (Lên núi - bản dịch của Xuân Diệu).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, hàng triệu trái tim người dân Việt tiếp tục rung lên theo ý chí và niềm tin chiến thắng của Người trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Trước lúc mãi mãi đi xa, dẫu chiến tranh vẫn còn ác liệt nhưng Bác Hồ đã tiên đoán được vận mệnh của đất nước. “…Dù có khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải rút khỏi nước ta. Tổ quốc ta sẽ nhất định thống nhất…” (Di chúc Hồ Chủ tịch). Lời tiên đoán ấy của Bác đã trở thành sự thật 6 năm sau đó, với thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà!

Tinh thần lạc quan cách mạng của Bác Hồ là vậy, như một nhà sử học nước ngoài đã viết: Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự bất khuất, kiên trung, của lương tri, chân lý và niềm tin chiến thắng.