Chúng tôi như bị “hút hồn” khi đến thăm cơ sở sản xuất chick của anh Ca Giá Bơ ở thôn Rồ Ôn (xã Phước Hà). Hai căn phòng bộn bề mây rừng, nan tre và những người thợ trẻ đang tất bật hoàn thành những chiếc chick xinh xắn kịp giao cho bạn hàng. Anh Bơ cho biết, tộc họ Ca Giá có nghề đan chick cha truyền con nối.
Nghề làm chick của gia đình anh Ca Giá Bơ.
Hiện nay ở thôn Rồ Ôn có tám hộ còn giữ nghề đan chick với trên 20 lao động, mỗi năm cung cấp hàng ngàn sản phẩm phục vụ nhu cầu cúng lễ của đồng bào Chăm trong và ngoài tỉnh. Dụng cụ làm chick rất đơn giản, chỉ cần 1 lưỡi mác thiệt bén để ra nan và 1 chiếc dùi cột dây mây làm đế chick. Để làm được chiếc chick tinh xảo bảo đảm chất lượng, người thợ phải chuyên tâm học nghề 2-3 tháng.
Người thợ phải đi bộ ròng rã một ngày đường lên núi cao tìm lồ ô không bị gãy ngọn, không tì vết. Mỗi chuyến đi chỉ vác về nhà được 6- 8 cây lồ ô, mỗi cây khoảng 4-5 lóng. Lồ ô đưa về được phơi trong bóng râm cho thật khô rồi chẻ nan mỏng. Người thợ tiến hành làm chick có hình khối vuông, cạnh dài 25 cm gồm các cung đoạn đan, bẻ vành, gắn đế mây dày khoảng 2 cm. Chiếc chick gồm hai phần đực và cái, khi úp vào nhau vừa khít dùng để đựng vật phẩm. Mỗi người thợ đan giỏi mỗi ngày hoàn thiện hai sản phẩm bán cho thương lái đến nhà thu mua với giá 60 ngàn đồng/chiếc. Tranh thủ thời gian nông nhàn, nghề làm chick giúp cho mỗi lao động có thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/tháng.
Anh Bơ có gần 40 năm gắn bó với nghề làm chick, anh truyền nghề cho vợ, con gái, con dâu khéo tay làm ra sản phẩm bền, đẹp được nhiều người ưa chuộng. Gia đình anh canh tác 7 sào ruộng lúa và 2 ha đất rẫy trồng bắp. Khi xong mùa màng, cơ sở của anh có 5 lao động rộn ràng với nghề mây tre đan. “Làm chick là nghề truyền thống của tộc họ nên mình không bỏ được. Còn sức khỏe là mình còn làm chick vừa có thu nhập vừa đem lại niềm vui cho cuộc sống gia đình”, anh Ca Giá Bơ chia sẻ.
Chị Thông Thị Hàn Châu, ở Mỹ Nghiệp (Phước Dân, Ninh Phước) chuyên mua bán chick cho biết, sản phẩm của đồng bào Raglai ở Phước Hà làm đẹp, chắc chắn. Ngoài cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh, chị Châu còn đưa chick vô bán cho đồng bào Chăm ở các huyện Bắc Bình, Tuy Phong được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sơn Ngọc