Đặt "trung thực" lên hàng đầu trong chủ đề học tập và làm theo Bác năm 2015
Theo GS. Hoàng Chí Bảo, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ được Đảng ta chính thức phát động vào năm 2007, đến nay là gần 10 năm. Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là thể hiện chủ trương của Đảng ta về việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác sẽ không còn là một cuộc vận động kiểu hành chính như trước đây. Đó sẽ không còn là việc chỉ đơn thuần học Bác trong những dịp lễ như kỷ niệm sinh nhật Bác, kỷ niệm Quốc khánh… Mà học Bác phải trở thành nhu cầu văn hóa, yếu tố tự giác, thúc đẩy nội tâm bên trong của mỗi một con người. Điểm mới của việc học tập và làm theo Bác là không coi đó là cuộc vận động có tính chất hành chính, mà nó trở thành nhu cầu văn hóa thường xuyên, tránh những chuyện phù phiếm, hình thức, lãng phí, hướng tới sự thiết thực, nhất là việc làm theo Bác.
Chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chuyên đề năm 2015 là: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Theo GS. Hoàng Chí Bảo, Đảng ta nhấn mạnh đầu tiên là tính trung thực, rồi trách nhiệm, gắn bó với dân, đoàn kết để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là chủ đề rất có ý nghĩa. Bởi vì, việc học tập theo chuyên đề năm 2015 có nghĩa là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thực hiện cho được quyết tâm chính trị của Đảng là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để lấy lại niềm tin của người dân đối với Đảng mà đã bị giảm sút chỉ vì bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất. Học tập và làm theo Bác, ta nhấn mạnh vào đạo đức cách mạng trong sáng của Bác, tấm gương cao cả của Bác trong thực hành đạo đức suốt cả cuộc đời, nhưng đồng thời phải gắn với tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta để vượt qua những khó khăn, thách thức như hiện nay, để đưa đất nước phát triển, thực hiện mục tiêu của Đảng.
Theo GS. Hoàng Chí Bảo, đặt trung thực trong chủ đề học tập và làm theo Bác năm 2015 lên hàng đầu vì trung thực là cái cốt lõi của đạo đức. Trung thực với Đảng, với nhân dân, trung thực với anh em, đồng đội, trung thực với chính bản thân mình. Trung thực là tự đánh giá, tự phê bình, để thực hiện phê bình. Trung thực đặt lên hàng đầu để chống lại sự giả dối. Trong chính trị, trung thực còn chống lại cả chủ nghĩa cơ hội. Người có đạo đức phải là người trung thực. Trung thực từ suy nghĩ đến việc làm, hành động, ứng xử. Sâu xa và quan trọng nhất là trung thực với chính nhân dân của mình. Nhân dân là người chủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ, công bộc của người dân. Người trung thực là người biết nhận lỗi, dũng cảm nhận lỗi và có quyết tâm sửa lỗi. Nhân dân coi đó là thước đo tinh thần trách nhiệm đối với người dân như thế nào. Người trung thực thì sẽ có lòng tự trọng, biết trọng danh dự, trọng liêm sỷ, trọng khí tiết. Như thế mới chống được tham nhũng, mà tham nhũng này không xảy ra trong dân, mà xảy ra ở những người có chức, có quyền từ nhỏ đến lớn. Ngoài những biện pháp về tăng cường luật pháp, nâng cao sức mạnh của thể chế, chế tài để nghiêm trị những hành vi tham nhũng gây tổn hại đến dân, đến nước, thì bản thân mỗi người phải có ý thức về lòng tự trọng và liêm sỷ, để không làm những vấn đề xấu xa đó. Trung thực còn có tác dụng giúp cho Đảng ta đẩy mạnh giáo dục đạo đức, thì mới có thể có sức mạnh tinh thần và đạo đức, hỗ trợ cho việc chống tham nhũng có hiệu quả. Đẩy lùi được quốc nạn tham nhũng, dân mới tin Đảng, tin chế độ. Uy tín của Đảng mới được nâng cao. Người trung thực là người biết trọng chân lý và trọng đạo lý, nhất là những người có học, biết nhận ra lẽ phải và sai trái, biết phê phán cái sai, khẳng định cái đúng. Hiệu quả sâu sa là bảo vệ lợi ích và quyền lợi của người dân, chống lại tất cả những gì vi phạm quyền làm chủ của dân, lấy dân làm chủ. Đó cũng là tính trách nhiệm.
Gắn bó với nhân dân có nghĩa là gần dân. Một trong những nguy cơ của Đảng cầm quyền là dễ xa dân, không thấu hiểu cuộc sống của người dân, đưa ra những chính sách, quyết sách xa thực tiễn, không hợp với lòng dân. Gắn bó với nhân dân chính là gần dân, từ đó mới hiểu dân và tin vào sức mạnh sáng tạo của dân, thì mới có thể có hành động thiết thực đem lại ích lợi cho dân. Muốn gắn bó với dân, lại phải thường xuyên đề cao trách nhiệm. Phải tự chịu trách nhiệm với công việc, với tổ chức, với con người, với chính bản thân mình. Yếu tố trách nhiệm này cũng là một trong những biểu hiện của đạo đức cách mạng.
GS. Hoàng Chí Bảo nhận định, chủ đề học tập và làm theo Bác năm nay có tính lôgic gắn bó rất chặt chẽ. Bác Hồ đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết là một truyền thống quý báu của nhân dân. Trong Di chúc, Bác đã dặn một điều cảm động là: Từ Trung ương tới chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Bác chọn vấn đề đầu tiên trong Di chúc là Đảng. Bác lại chọn đoàn kết là vấn đề đầu tiên trong Đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì phải củng cố đoàn kết. Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân, vướng vào vòng danh lợi, lợi ích, ích kỷ, bon chen, vụ lợi thì rất dễ xảy ra mất đoàn kết. Đây là đoàn kết thực sự, bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Đây cũng là cách để sửa chữa những sai lầm đã mắc phải để phát huy truyền thống tốt đẹp của Đảng, nêu cao năng lực cán bộ, đảng viên. Cuối cùng, cũng là hướng tới đích là phục vụ nhân dân tốt hơn, có hiệu quả hơn.
Đảng viên phải thể hiện được 3 tư cách
Để học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề của năm 2015 một cách hiệu quả và thiết thực, GS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, thứ nhất, phải nâng cao được nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải giáo dục đạo đức trong Đảng về tính trung thực, tính trách nhiệm, giáo dục nhận thức trong Đảng, trong cán bộ, đảng viên về sự gắn bó máu thịt, mật thiết với dân. Đoàn kết để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Việc giáo dục nhận thức này không chỉ tuyên truyền là đủ, phải làm sao kích thích, tạo ra được động lực cho mỗi một cá nhân tự mình học tập và nghiên cứu. Phải đọc những bài nói, bài viết của Bác, về cuộc đời sâu sắc của Bác. Phải thấy được Bác đã thực hành điều này như thế nào trong suốt cuộc đời, học như thế nào để nâng cao nhận thức. Đây là tiền đề cho mọi hành động.
Thứ hai, phải xây dựng chương trình hành động trong từng tổ chức Đảng, từ chi bộ trở lên, cho tới chương trình hành động của từng cán bộ, đảng viên cho tới công chức, người lao động. Nó phải đảm bảo yêu cầu thiết thực, cụ thể, xuất phát từ những công việc được giao, từ những chuyên môn của mình, từ cương vị của mình để thực hiện một cách tốt nhất theo phương châm “nói ít, làm nhiều”, chủ yếu là hành động; luôn luôn không quên lời Bác dặn là nêu gương.
GS. Hoàng Chí Bảo cũng chia sẻ, nhớ lại trong suốt 30 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Cơ sở là nơi dân sinh sống, gần dân nhất. Trong nghị quyết này, có một đoạn nói về tư cách của người đảng viên trong sự nghiệp đổi mới. Nghị quyết đã chỉ ra mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện được 3 tư cách:
Một là, phải là người lao động giỏi. Người lao động giỏi mới nêu gương cho nhân dân.
Hai là, phải là người công dân gương mẫu. Đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng như một bộ luật của Đảng. Đồng thời, đảng viên cũng là công dân, nhưng phải là công dân gương mẫu. Đảng viên sống trong một nhà nước pháp quyền, xã hội dân chủ phải thể hiện vai trò là một công dân gương mẫu, sống và làm việc theo luật pháp. Đảng viên càng giữ cương vị trách nhiệm cao, càng cần phải là một công dân gương mẫu.
Ba là, mỗi đảng viên phải là một chiến sỹ tiên phong trong công cuộc đổi mới, thực hiện cho được mục tiêu của công cuộc đổi mới là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tiên phong của đảng viên trong đổi mới trước hết là về tư duy đổi mới, chống giáo điều, trì trệ, bảo thủ, tiên phong trong hành động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tiên phong trong việc xây dựng khối đoàn kết trong Đảng, trong dân để củng cố sự đồng thuận trong xã hội và cũng là động lực để phát triển. Bây giờ, thiết thực nhất là tiên phong trong chống các tiêu cực và tệ nạn xã hội, nhất là tham nhũng. Nếu 4 triệu đảng viên trong cả nước làm được như vậy, đất nước sẽ phát triển tốt đẹp; nhân dân sẽ gắn bó với Đảng, chế độ sẽ bền vững. Trong thời điểm hiện nay, cần thiết phải nhắc lại 3 tư cách đó của người đảng viên. Đó cũng là cách thiết thực nhất để làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nguồn tuyengiao.vn