Với mỗi loại thiên tai, chúng đều có nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển, nhận thức, kinh nghiệm của loài người về chúng khác nhau. Để có những biện pháp phòng ngừa, ứng phó riêng biệt cho từng loại, phù hợp với điều kiện địa lý vùng Duyên hải Nam Trung bộ; trong khuôn khổ loạt bài “Thiên tai từ Biển, một số kiến thức phòng ngừa, ứng phó”, chúng tôi xin gửi đến Quý vị độc giả các kiến thức về phòng ngừa, ứng phó thiên tai từ biển.
Vào thế kỷ 17 – 18, khi mà nhiều cuộc hành trình trên biển bằng thuyền buồm còn rất thịnh hành, thì một số tàu thuyền ra khơi nhưng không bao giờ có cơ hội trở về bến cũ, nơi khởi hành vì gặp phải những cơn bão to, gây sóng lớn làm chìm đắm cả người và tài sản xuống đáy biển sâu. Chính vì vậy, những người đi biển dài ngày luôn luôn quan tâm đến sự xuất hiện của gió mạnh trên biển.
Để bảo vệ thuỷ thủ đoàn của mình cũng như giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của gió trên biển, vào năm 1806, đô đốc Hải quân Anh là Phrăng xit Bô Pho (Beaufort), 1774 – 1857, bằng kinh nghiệm thực tiễn đã đưa ra bảng thang về phân chia các cấp gió để sử dụng trong các cuộc hành trình trên biển.
Tuy nhiên, phải đến năm 1894, tại Utret, Hà Lan, Uỷ ban khí tượng quốc tế (nay là tổ chức khí tượng thế giới – WMO) chấp nhận thang cấp gió của ông để sử dụng trong công tác quan trắc gió gần mặt đất cũng như gió trên mặt biển và để chuyển dễ dàng mã điện khí tượng quốc tế giữa các nước thành viên. Đến nay, thang cấp gió này đã được chính thức công nhận để phân loại mức độ gió và chiều cao sóng và được sử dụng ở mọi nơi trên thế giới, cả trên đất liền lẫn trên biểt mà tại đó chưa có máy đo hướng và tốc độ gió thay đổi theo thời gian.
Bảng cấp gió Bô Pho được chia thành 18 cấp, từ cấp 0 chỉ gió yếu hay không có gió (có tốc độ từ 0 – 1,5km/giờ) trên một mặt biển lặng yên đến cấp gió 17, đạt tốc độ đến 202 – 220 km/giờ, độ cao sóng biển có thể trên 14m.
Dưới đây là bảng giải thích thang cấp gió Bô Pho đang được ngành khí tượng sử dụng.
Khái niệm về Bão và Áp thấp nhiệt đới
Bão và áp thấp nhiệt đới là một xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ), có gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 6 trở lên (tức là trên 39km/h). Xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) là một hệ thống khí áp thấp ở vùng nhiệt đới. Áp suất khí quyển (khí áp) trong XTNĐ thấp hơn rất nhiều so với xung quanh. Vùng có khí áp nhỏ nhất được gọi là vùng trung tâm. Ở Bắc Bán cầu XTNĐ có hoàn lưu gió xoáy vào tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, ngược lại ở Nam Bán Cầu gió xoáy vào tâm XTNĐ theo hướng thuận chiều kim đồng hồ.
Khi gió mạnh nhất vùng gần tâm XTNĐ mạnh cấp 6 – 7 (Tức là 10,8 – 17,2m/s) được gọi là áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Khi gió mạnh nhất vùng gần tâm XTNĐ mạnh từ cấp 8 trở lên (Tức là trên 17,2m/s) được gọi là bão.
Bão (Typhoon) là một xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) trên Tây bắc Thái Bình Dương là một áp thấp gần tròn tương đối nhỏ (bán kính vào khoảng 200 - 300 km). Những đường đẳng áp đồng tâm rất sít nhau gây nên gió mạnh tới trên 30 m/s (tức là trên cấp 11 hoặc 100 km/h). Riêng vùng trung tâm, còn gọi là "mắt bão" là một vùng gió yếu, thậm chí lặng gió và thường ít mây, có khi quang mây, khi tốc độ gió cực đại (Vmax) ở gần tâm duy trì liên tục từ 64 hải lý (gió cấp 12 ở ta) trở lên (hải lý: knot - kt, bằng 1,853 km/h). Phạm vi gió xoáy của bão lớn, lên đến hàng trăm kilômét. Khi gió mạnh nhất vùng gần tâm xoáy thuận nhiệt đới đạt từ cấp 8 trở lên (tức là từ 62 km/giờ trở lên) thì gọi là bão. Bão là hiện tượng đặc biệt nguy hiểm, gây ra gió rất mạnh, có thể đánh đắm tàu thuyền, làm đổ nhà cửa; mưa rất lớn, gây lũ lụt nghiêm trọng, có khi trở thành thảm họa.
Áp thấp nhiệt đới (tropical depression)
Là tên gọi một hiện tượng thời tiết phức hợp diễn ra trên diện rộng trên biển hoặc đất liền khi có hiện tượng gió xoáy tập trung quanh một vùng áp thấp nhưng chưa đủ mạnh để gọi là bão nhiệt đới. Khi gió mạnh nhất vùng gần tâm xoáy thuận nhiệt đới đạt từ cấp 6 đến cấp 7 (tức là từ 39 - 61 km/giờ) thì gọi là áp thấp nhiệt đới.
Như vậy, theo định nghĩa quốc tế, bão nhiệt đới phải có gió mạnh hơn 64 km/giờ (hay 35 knots), tức là hơn cấp 8. Nếu gió yếu hơn 63 km/giờ, gọi là áp thấp nhiệt đới. Nếu gíó mạnh hơn 118 km/giờ (cấp 12 – tức 64 knots), bão được gọi là bão lớn với cuồng phong (typhoon). Ngoài ra còn có bão rất to hay siêu bão (super typhoon, intense major hurricane, super cyclonic storm, very intense tropical cyclone) với gió mạnh hơn 240 km/giờ (hay trên 130 knot), tức cấp 15 (Thang bão Bô Pho) trở lên. Danh từ "typhoon" được dùng trong vùng biển Đông và tây bắc Thái Bình Dương; "hurricane" trong vùng Đại Tây Dương; và "tropical cyclone" trong vùng Ấn Độ Dương.
Cấu trúc của bão
Các thành phần chính của bão bao gồm các dải mưa ở rìa ngoài, mắt bão nằm ở chính giữa và thành mắt bão nằm ngay sát mắt bão.
Trong không gian ba chiều, bão là một cột xoáy khổng lồ, ở tầng thấp (khoảng 0 – 3km) không khí nóng ẩm chuyển động xoắn trôn ốc ngược chiều kim đồng hồ (ở Bắc Bán Cầu) hội tụ vào tâm, chuyển động thẳng đứng lên trên trong thành mắt bão và toả ra ngoài ở trên đỉnh theo chiều ngựơc lại. Ở chính giữa trung tâm của cơn bão không khí chuyển động giáng xuống, tạo nên vùng quang mây ở mắt bão.
Tham gia chuyển động xoay trong bão là một khối không khí khổng lồ có phạm vi ngang khoảng 200 – 1.000km, phạm vi thẳng đứng lên đến lớp đỉnh tầng đối lưu (10 – 12km).
Giá trị khí áp nhỏ nhất tại tâm bão và tăng dần ra phía rìa bão. Càng vào gần tâm, cường độ gió bão càng mạnh, khu vực tốc độ gió mạnh nhất cách tâm bão khoảng vài trục km. Vào vùng mắt bão gió đột ngột yếu hẳn, tốc độ gió gần bằng không. Khi qua khỏi vùng mắt bão gió lại đột ngột mạnh lên nhưng có hướng ngược lại, đây chính là tính chất ảnh hưởng nguy hiểm nhất của bão.
Ảnh minh họa: nguồn Internet
Nếu nhìn từ trên cao xuống (ảnh mây bão chụp từ vệ tinh) mây bão có dạng gần tròn, hình xoáy trôn ốc ngược chiều kim đồng hồ (ở Bắc Bán Cầu); cấu trúc mây bão chủ yếu là hệ thống mây đối lưu, dòng thăng tập trung ở dải mây này, tốc độ dòng thăng trong bão rất lớn và có thể lên cao đến 10km, tạo thành cột không khí chuyển động xoáy rất mạnh và hình thành khối mây bão khổng lồ (dòng thăng: là dòng không khí dưới mặt đất đi lên trên các tầng cao tạo ra một đường thăng, thường nó là yếu tố chính tạo ra các đám mây dông trong cơn mưa, nó hoạt động mạnh thì mây dông phát triển càng nhiều khiến cho mưa cũng nhiều - PV). Đến một độ cao nào đó dòng không khí thổi ngang từ thành mắt bão ra xung quanh tạo nên những màn mây mỏng toả ra rất xa ngoài vùng bão. Xung quanh mắt bão có mây bão dạng thành gần như thẳng đứng làm thành hình vành khăn (Thành mắt bão).
- Mắt bão: Mắt bão là khu vực có khí áp nhỏ nhất trong bão, gần như lặng gió, quang mây, và có nhiệt độ cao hơn vùng xung quanh (do sự đốt nóng dòng không khí thăng lên), mắt bão có đường kính khoảng 30 – 60km. Do ở mắt bão có chuyển động giáng, nhiệt độ không khí trong mắt bão lớn hơn xung quanh rất nhiều, vì thế người ta nói bão có lõi nóng.
- Thành mắt bão: là bức tường mây dày xung quanh mắt bão, là vùng có gió mạnh và mưa to nhất;
- Các dải mưa xoắn: ở rìa ngoài của bão có thể rộng hàng trăm km, chuyển động xoắn chậm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, thường gây ra gió mạnh mưa to thành từng đợt;
- Chiều rộng của bão có đường kính trung bình khoảng 300 km, có cơn đường kính rộng tới 500 km.
Sự di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới
Đường di chuyển trung bình của bão trên biển Đông chủ yếu có dạng tiến thẳng về phía Tây (từ hướng Tây Bắc đến Tây Nam). Tuy nhiên, cũng có trường hợp xảy ra dạng đường đi phức tạp ngoằn ngoèo trở ra hướng Đông - Bắc. Tốc độ di chuyển trung bình của bão khoảng từ 15- 20 km/giờ. Từ tháng 6 đến tháng 8, bão thường ảnh hưởng đến Bắc Bộ; từ tháng 9 đến tháng 12, bão thường ảnh hưởng đến Trung Bộ và Nam Bộ (còn nữa)…..
Đỗ Phước Vinh