Tại cảng cá Đông Hải vào sáng sớm, lượng hải sản về cảng nhiều cùng với các loại phương tiện vận chuyển tập trung ở khu vực này để bốc xếp, khiến người và phương tiện phải len lỏi khá vất vả trong phạm vi khá chật hẹp. Trong khi đó, có đến 1/4 diện tích bề mặt cầu càng phải “phong tỏa”, cấm không cho các loại phương tiện đi vào để đảm bảo an toàn. Nhiều xe trọng tải lớn muốn chuyển hàng lên tàu hoặc ngược lại phải đậu xe ở xa khu vực đậu tàu để tăng-bo hàng, hết sức bất tiện.
Cầu cảng xuống cấp, nhiều khu vực phải cấm hoạt động để đảm bảo an toàn.
Đưa chúng tôi vào khu vực phía Tây của cảng, ông Phạm Chí Khỏe, Trưởng Cảng cá Đông Hải cho biết: Cảng được đầu tư và đưa vào hoạt động từ năm 1996, với thiết kế tải trọng được phép hoạt động 20 tấn. Nhưng trải qua gần 20 năm sử dụng, nay đã quá tải và xuống cấp rất nghiêm trọng. Qua khảo sát, đơn vị Kiểm định chất lượng cầu cảng Thành phố Hồ Chí Minh có kết luận, cầu cảng xuống cấp không đảm bảo an toàn. Trong đó, khu vực dài khoảng 100m không được phép sử dụng, cấm không cho các loại phương tiện đi vào. Phần còn lại khoảng 165m, chỉ cho phép xe trọng tải dưới 5 tấn hoạt động. Với sự xuống cấp, thiếu an toàn của cầu cảng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạt động, quản lý của cảng cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân.
Cảng cá Đông Hải hiện là nơi thường xuyên hoạt động trú đậu, bốc xếp hải sản và tiếp nhận nhiên liệu, đồ dùng phục vụ hậu cần nghề cá của hơn 400 tàu cá trong và ngoài địa phương. Nhưng với việc cầu cảng xuống cấp, phạm vi hoạt động chỉ đáp ứng được trên 10 tàu cá mỗi lượt. Bên cạnh đó, thường ngày có hàng trăm lượt xe tải lớn, nhỏ ra vào cảng vận chuyển hàng hóa và phân phối hải sản cũng gặp khó khăn.
Trước thực trạng trên, BQL Khai thác các cảng cá Ninh Thuận đã có kiến nghị lên các cấp, ngành liên quan để có kế hoạch nâng cấp, xây mới cầu cảng nhằm đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu của ngành thủy sản nói riêng và phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Ngũ Anh Tuấn