Như đã biết, trong những năm của thập kỷ 80, thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ. Ở Đức, Anh, Mỹ … Có những xí nghiệp phát triển lực lượng lao động từ 1000, 2000 đến 3000 công nhân. Sự phát triển rất lớn của công nghiệp và quá trình tập trung đã dẫn đến các tổ chức độc quyền. Tình trạng bóc lột giá trị thặng dư của người lao động ngày càng lộ liễu, trắng trợn. Giai cấp tư sản đã không từ bỏ thủ đoạn nào: tăng giờ làm, giảm phúc lợi xã hội, giảm tiền lương … nhằm mục đích thu lợi nhuận tối đa, trong khi đó, đời sống, phúc lợi của người lao động thì bị dửng dưng, không quan tâm. Bởi vậy, trong cuộc đấu tranh giữa giới tư bản và giai cấp công nhân lao động, thời gian lao động là một trong những vấn đề cần đấu tranh và có ý nghĩa quan trọng.
Ngày 1-5-1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ "Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!" Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Các cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề. Giới chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân. Đặc biệt, ở Chicago, cảnh sát đã xả súng vào đoàn người tay không, làm hàng trăm người chết và bị thương . Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... gây nên sự kiện thảm sát Haymarket năm 1886 tại Chicago, Mỹ. Nhưng cuối cùng, giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân.
Ngày 20-6-1889, ba năm sau "thảm kịch" tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản lần II nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước- Ngày Quốc tế lao động.
Ở nước ta, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước nhà độc lập, ngày 2-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quy định công nhân, lao động được hưởng lương trong ngày ngày nghỉ Quốc tế Lao động 1-5 hàng năm. Cũng từ đó, ngày 1-5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta. Ngày nay, ngày Quốc tế lao động là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
TS