Vướng mắc:
Trong thời gian ngắn và còn mới mẻ, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung chưa thật sự đi vào chiều sâu để người dân nắm và hiểu hết mục tiêu, ý nghĩa để chia sẻ cùng cộng đồng. Theo BHXH tỉnh, có 2 nguyên nhân khó khăn lớn nhất trong triển khai áp dụng Luật BHYT thời gian qua. Thứ nhất, việc quy định 100% thành viên hộ gia đình tham gia BHYT và thủ tục xác minh các thành viên trong gia đình đã tham gia BHYT đã gây vướng mắc, làm cho nhiều người đến kỳ đáo hạn thẻ BHYT cũng không được tham gia (dù họ đã tham gia BHYT nhiều năm liền và có nhu cầu khám, chữa bệnh thường xuyên); quy định người tham gia BHYT đi khám bệnh trái tuyến ngoại trú (từ tuyến tỉnh đến trung ương) không được hưởng quyền lợi như luật mới quy định, nên họ cũng không tiếp tục tham gia BHYT. Thứ hai, rất nhiều người thắc mắc về đi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, nhất là việc quỹ BHYT không thanh toán cho những người KCB vượt tuyến, trái tuyến ngoại trú tại tuyến tỉnh…
Người dân có BHYT khám bệnh tại Trung tâm Y tế Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Ảnh: Uyên Thu
Ông Nguyễn Quang Công, Trưởng phòng Thu BHXH tỉnh, cho biết: Với nguyên nhân thứ nhất, BHXH Việt Nam đã có văn bản số 777/BHXH-BT ngày 12-3-2015 hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người tham gia BHYT. Tuy nhiên, với nguyên nhân thứ hai, rất nhiều nhiều người dân thắc mắc về đi KCB BHYT, nhất là việc quỹ BHYT không thanh toán cho những người KCB vượt tuyến, trái tuyến ngoại trú tại tuyến tỉnh, do người dân không nắm vững thông tin Luật BHYT mới sửa đổi, bổ sung. Theo Luật BHYT năm 2008, khi người bệnh đi KCB không đúng tuyến (trái tuyến), quỹ BHYT chi trả cả nội trú và ngoại trú với các mức: 30% KCB ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; 50% KCB ở bệnh viện hạng II; 70% KCB ở bệnh viện hạng III và không xếp hạng. Để hạn chế tình trạng quá tải KCB ngoại trú cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2015, khi người bệnh đi KCB không đúng tuyến thì chỉ được thanh toán theo mức hưởng và theo tỷ lệ quy định: 40% chi phí điều trị nội trú; KCB ngoại trú không được thanh toán tại bệnh viện tuyến Trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh từ 1-1-2015 đến 31-12-2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ 1-1-2021 trong phạm vi cả nước tại bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng KCB ngoại trú không được thanh toán; Tại bệnh viện tuyến huyện: 70% chi phí khám, chữa bệnh từ 1-1-2015 đến ngày 31-12-2015; 100% chi phí khám, chữa bệnh (cả nội trú lẫn ngoại trú) từ ngày 1-1-2016. Do không nắm vững được những điểm mới này, nên rất nhiều người dân đi KCB BHYT thắc mắc…
Đưa luật vào cuộc sống:
Sau gần 3 tháng Luật BHYT sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực, đang có một số khó khăn vướng mắc đặt ra, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ở đó vai trò công tác phối hợp tuyên truyền là rất quan trọng để người dân nắm chắc, hiểu rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình, ít bỡ ngỡ với những điểm mới của luật, để chính sách đi vào cuộc sống.
Ông Trần Xuân Phương, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Theo yêu cầu của BHXH Việt Nam, công tác tuyên truyền trong năm nay sẽ tập trung vào việc thông tin chủ trương, chính sách BHYT đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan truyền thông trên địa bàn để từ đó góp phần chuyển tải kịp thời chính sách đến các tầng lớp nhân dân. Để cụ thể hóa nhiệm vụ trên, BHXH tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền chính sách BHYT trên Bản tin Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh. Tiếp đó, BHXH các huyện, thành phố đã phối hợp triển khai công tác tuyên truyền việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung trên hệ thống phát thanh, truyền thanh cơ sở và thông qua hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể. Công tác tuyên truyền chú trọng cung cấp những thông tin về quyền lợi, nghĩa vụ, phương thức và thủ tục đối với người tham gia BHYT, về những nội dung cơ bản của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung; trong đó nhấn mạnh vào những điểm mới như: Quy định bắt buộc tham gia BHYT, khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình, quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tham gia, đặc biệt là đối tượng người nghèo, bảo trợ xã hội, thân nhân người có công. Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cũng tạo điều kiện thông thoáng hơn để người tham gia được tiếp cận, hưởng quyền lợi đầy đủ trong KCB BHYT tại các cơ sở trong phạm vi tuyến tỉnh mà không bị coi là trái tuyến, vượt tuyến…
Về phía ngành, BHXH tỉnh tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định BHYT, phối hợp chặt chẽ các cơ sở KCB, hướng dẫn người bệnh thực hiện đúng, đủ các thủ tục KCB BHYT; thực hiện giám sát, giải quyết linh hoạt, kịp thời các tình huống phát sinh... Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán kịp thời chi phí KCB BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi KCB. Ngành phối hợp các cơ sở KCB tiếp thu ý kiến của người dân liên quan đến công tác KCB BHYT để kịp thời điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho người có thẻ BHYT khi KCB.
Xuân Bính