Trong quá trình lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như khi xây dựng kế hoạch tác chiến Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đặc biệt coi trọng đến nhân tố “trận địa lòng dân” (sau này được định danh thành thuật ngữ “thế trận lòng dân”) để động viên và phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống lại kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc. Thực chất “thế trận lòng dân” là trạng thái chính trị - tinh thần của toàn dân với những nhân tố cốt lõi bao gồm: Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, ý chí quyết tâm chiến đấu của toàn dân, được các tổ chức, lực lượng đại biểu chân chính cho lợi ích của quốc gia, dân tộc khơi dậy, xây dựng, quy tụ, định hướng, phát huy cao độ, tạo nên nền tảng chính trị - tinh thần vững chắc để huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giải phóng dân tộc.
Lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn chào mừng Quân Giải phóng tiến vào thành phố.
Ảnh tư liệu
Xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” nhằm tạo cơ sở, nền tảng chính trị - tinh thần để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Khẳng định những vấn đề cốt lõi trên sẽ góp phần quan trọng đấu tranh, phê phán, bác bỏ mọi quan điểm, luận điệu tuyên truyền sai trái, thù địch hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân”, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để làm nên mốc son chói lọi Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Để có được Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhân dân miền Nam đã phải trải qua những năm tháng chịu sự đàn áp dã man, tàn bạo của chế độ Mỹ - Sài Gòn. Trước những tình thế khó khăn, hiểm nghèo, đồng bào miền Nam vẫn một lòng, một dạ đi theo cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, được sự chi viện sức người, sức của của hậu phương lớn miền Bắc, quân và dân miền Nam luôn anh dũng, kiên cường đấu tranh chống chế độ Mỹ - Sài Gòn. Lòng dân luôn hướng theo Đảng; Đảng luôn ở trong dân. Đảng ta đã biết khơi dậy, quy tụ và phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong việc chớp thời cơ “ngàn năm có một” để giành thắng lợi từng bước, tạo thế chủ động trên chiến trường miền Nam, chủ động tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đánh đổ hoàn toàn chế độ Sài Gòn, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã chứng minh, khi “ý Đảng” hợp với “lòng dân” đã hội tụ sức mạnh, làm cho “thế trận lòng dân” càng được phát huy cao độ, tạo nên cao trào cách mạng quyết tâm giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Biểu hiện “thế trận lòng dân” trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 cả về mặt không gian, thời gian và lực lượng. Không gian của “thế trận lòng dân” biểu hiện ở việc nhân dân cả nước từ Nam chí Bắc đồng lòng quyết tâm chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối. Đó là cơ sở để Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương và hạ quyết tâm động viên sức mạnh cao nhất của cả nước để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. “Thế trận lòng dân” của cả hậu phương miền Bắc hướng về miền Nam; đồng bào miền Nam đã sẵn sàng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy; rộng lớn hơn là nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng hướng về Việt Nam, hướng về cuộc chiến đấu cuối cùng của nhân dân miền Nam Việt Nam trong trận quyết chiến chiến lược đánh gục dã tâm của kẻ xâm lược cùng chế độ tay sai Sài Gòn.
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo nên thời cơ lớn, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Sau khi giải phóng Huế, Đà Nẵng, trên cơ sở sự phát triển thế tiến công như vũ bão trên chiến trường và “lòng dân” ở đô thị lớn nhất miền Nam là Sài Gòn - Gia Định đã sẵn sàng nổi dậy, Bộ Chính trị tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975 trước mùa mưa, không thể để chậm. Lúc này, thời gian là lực lượng. “Thế trận lòng dân” được phát huy cao độ; quân và dân cả nước hừng hực khí thế ra trận với khí phách anh hùng “Một ngày bằng hai mươi năm”, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hướng ra tiền tuyến lớn, miền Bắc dốc toàn bộ sức mạnh tiềm tàng và to lớn của mình cho miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, chiến dịch mang tên Bác giải phóng Sài Gòn - Gia Định được bắt đầu bằng 5 quân đoàn chủ lực, tinh nhuệ làm nòng cốt với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; cùng với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng nhân dân ở nội, ngoại thành Sài Gòn - Gia Định, ta đã nhanh chóng đè bẹp bộ máy chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến cơ sở. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, thành phố Sài Gòn hầu như còn nguyên vẹn, làm nức lòng nhân dân cả nước và nhân dân tiến bộ thế giới. Cả miền Nam trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-1975 ngập tràn sắc đỏ cờ hoa mừng ngày hội lớn - ngày hội Đại thắng của toàn dân tộc Việt Nam.
Phát huy bài học từ Đại thắng mùa Xuân 1975, một trong những yêu cầu là phải quán triệt sâu sắc việc xây dựng “thế trận lòng dân” - yếu tố cốt lõi, đặc trưng bản chất và là “nguyên vật liệu” trong xây dựng nền quốc phòng và an ninh toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân