Tháng 3, tháng 4 thường là mùa biển lặng nhưng thời điểm này, biển lại dậy sóng. Tuy nhiên, những tín hiệu thời tiết khắc nghiệt không ngăn cản được khát vọng lên đường luôn thôi thúc, vẫy gọi trong mỗi trái tim đã bấy lâu nay hằng thao thức với tiếng gọi thiêng liêng: Trường Sa.
Các chiến sĩ Trạm Rada 44 đảo Phan Vinh canh gác vùng trời, vùng biển.
Những bài hát “Nơi đảo xa”, “Gần lắm Trường Sa”... vang lên đầy giục giã. Cầu tàu rộn rã tiếng nói cười, những cái bắt tay, choàng vai thân mật của cánh lính trẻ chúc nhau hoàn thành nhiệm vụ rộn rã cả vùng.
Đêm đầu tiên trên hải trình, tàu 571-Trường Sa đưa chúng tôi tiến ra giữa đại dương mênh mông. Đêm trên biển, hầu như ai cũng thao thức vì cảm giác lần đầu được đến với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cánh phóng viên chúng tôi cùng những chiến sỹ trẻ đều không ngủ được. Điểm đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân đến sau ba ngày đêm lênh đênh trên biển là đảo Trường Sa Đông sừng sững, vững chãi giữa muôn trùng sóng biển. Sau những ngày ghé thăm các đảo chìm Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, hầu hết tại các điểm đảo, tôi đều nghe được chất giọng Ninh Thuận đặc trưng của miền nắng và gió. Tại đảo chìm Núi Le, chúng tôi gặp chiến sỹ Dương Hồng Luân (thôn Long Bình, xã An Hải, huyện Ninh Phước) cùng 2 chiến sỹ khác đang chăm sóc vườn rau xanh. Luân là sinh viên năm thứ 2 khoa Xây dựng của Trường Đại học Lạc Hồng. Dù trong diện được tạm hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự nhưng khi biển Đông “dậy sóng”, Luân liền xin bảo lưu kết quả học tập để tình nguyện gia nhập lực lượng hải quân. Sau vài tháng rèn luyện, Luân được phân nhiệm vụ tại đảo Núi Le. Nhìn nước da rám nắng, gương mặt rắn rỏi, cương nghị của chàng trai trẻ mới độ đôi mươi, trong tôi trào dâng một niềm xúc động, tin tưởng xen lẫn với tự hào, tự hào vì tuổi trẻ Ninh Thuận đã vững tin nắm chắc tay súng gìn giữ biển đảo quê hương. Luân tâm sự: Tuổi trẻ chúng em muốn đem sức trai gìn giữ từng tấc đất quê hương. Dù biển Đông có “dậy sóng”, các chiến sĩ trẻ tụi em ở đây vẫn bền gan vững chí, chắc tay súng bảo vệ mảnh đất tiền đồn của Tổ quốc.
Tàu chúng tôi tiếp tục đến điểm đảo Phan Vinh- hòn đảo mang tên người anh hùng của Đoàn tàu không số huyền thoại. Gió cấp 6, giật cấp 7, những con sóng bạc đầu dâng cao từ 2 đến 3 m. Tàu 571- Trường Sa phải dừng cách đảo Phan Vinh khoảng 4 hải lý, để thuyền cao tốc CQ đưa người và hàng cập đảo. Ngày thứ 11 trên biển, mới đến với điểm đảo thứ 4 trên hành trình 12 điểm đảo mà tàu 571- Trường Sa sẽ đưa chúng tôi đến, đã có vô số những niềm vui, những nụ cười mà chúng tôi đã bắt gặp, đón nhận. Nghe như trong vị mặn của biển khơi có vị mặn của mồ hôi, nước mắt và cả máu của dân tộc Việt Nam đã đổ xuống, để truyền nối nhau từ đời này qua đời khác, giữ gìn từng tấc đất biển khơi cha ông để lại.
Cuộc sống trên các đảo chìm ở huyện đảo Trường Sa hiện nay đã có sự đổi thay rất đáng tự hào. Không chỉ có những công trình ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh biển đảo, mà còn có những công trình phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo chìm. Công trình Nhà văn hóa đa năng tại điểm A, điểm B, đảo chìm Đá Đông là một minh chứng. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ có không gian rèn luyện thể dục thể thao và tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần. Thiếu tá Ngô Văn Hưng, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông cho biết: Sau những giờ thực hiện nhiệm vụ thì cán bộ, chiến sỹ hăng say tập luyện thể dục thể thao để rèn luyện thân thể. Buổi tối cuối tuần còn có những chương trình văn hóa-văn nghệ như thi hát Karaoke cũng làm cho cuộc sống tinh thần cán bộ, chiến sỹ đảo chìm thêm phong phú.
Trường Sa Đông vững vàng trước phong ba, bão táp.
Không chỉ ở Trường Sa Đông, mà ở các đảo chìm Đá Đông A, Đá Đông B, Đá Đông C, đảo nổi Phan Vinh A và điểm đảo chìm Phan Vinh B, ở các điểm đảo nào, chúng tôi cũng gặp những màu xanh non mơn mởn của hoa lá, cỏ cây tự tay người chiến sĩ ươm trồng. Tất cả đều có “Vườn rau thanh niên”. Tại đảo chìm Đá Đông A, bên cạnh nhà lâu bền xây dựng để làm căn cứ phòng thủ và sinh hoạt, là một khu vườn rất độc đáo được dựng kỳ công như một nhà giàn, một “vườn treo babylon” trên biển. Chỉ một vuông đất nhỏ nhưng trồng được nhiều loại rau như: rau muống, mồng tơi, bầu đất, cải bẹ, rau sam... Chúng tôi ai cũng vui, vì đang mùa khó trồng nhất, mà ở đây những ngọn bầu đất, mồng tơi, những luống cải bẹ vẫn tốt tươi, mướt mát.
Ở Trường Sa, mỗi điểm đảo là một pháo đài canh giữ chủ quyền biển trời Tổ quốc. Trước sóng gió biển khơi luôn dập dồn dữ dội, đối mặt với muôn vàn khắc nghiệt của thiên nhiên, từ bao đời nay, Trường Sa đã lựa chọn cho mình những loài cây mà sự thích nghi, khả năng chịu đựng và kiên gan bền bỉ để tồn tại của nó cũng mang đậm tính cách của dân tộc Việt Nam. Trong đó, điển hình là 4 loài cây: cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông và cây tra. Cây bàng vuông riêng chỉ có ở Trường Sa, vừa mang dáng dấp cây bàng ở đất liền, hoa bàng vuông đẹp kiều diễm như thể sắc màu của hoa quỳnh, chỉ nở về đêm.
Vậy là, đến với Trường Sa, mảnh đất xa xôi địa đầu của Tổ quốc, chúng tôi lại bị chinh phục và mê đắm bởi những màu xanh tràn trề nhựa sống. Vượt qua muôn trùng sóng bể, giờ đây lại đứng bên cột mốc chủ quyền, trong tôi lại trào dâng cảm giác hạnh phúc vô bờ khi từng tấc đất thiêng liêng của đất mẹ được gìn giữ bao đời và từng ngày, từng giờ, quân và dân cả nước tiếp tục tái bồi để Trường Sa ngày một vững chãi và lớn mạnh biển Đông bao la.
Sau 26 ngày bồng bềnh với sóng biển để mang Xuân ra với đảo xa, chúng tôi trở về với đất liền thân yêu với biết bao lưu luyến giữa những tình cảm của những người lính đảo. Một chuyến đi đong đầy cảm xúc của những người làm báo lần đầu đến với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc để ghi nhận sự thay da đổi thịt của đảo xa, mang lại sự kết nối giữa đất liền với hải đảo gần thêm qua những tâm tình người lính đảo đến với đất liền thân yêu. Qua một thời gian gắn bó với tinh thần “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, trong lòng mỗi chúng tôi đều thầm mong thời gian được ở lại với đảo dài hơn và đến với vùng đất chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhiều hơn.
Hoàng Trung