Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 2 ngày đầu thực hiện cao điểm, bên cạnh những bậc cha mẹ chấp hành nghiêm quy định bắt buộc đội MBH cho con mình khi tham gia giao thông thì vẫn còn nhiều phụ huynh thờ ơ với quy định này.
Nhiều phụ huynh đưa đón con nhưng không đội MBH cho các em.
Có mặt tại một số cổng trường trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm vào giờ tan học ngày 7-4, chúng tôi thấy vẫn có rất nhiều trường hợp ( các bậc phụ huynh) không đội MBH khi chở con em mình bằng xe máy, thậm chí còn có những trường hợp phụ huynh chở 2 trẻ cùng lúc nhưng các em đều để “đầu trần”. Khi được hỏi về lý do, hầu hết các trường hợp trên đều cho rằng có biết quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH nhưng do “nhà gần và đi vội nên quên”. Trong khi đó, một số phụ huynh khác lại khá bất ngờ khi được hỏi và cho rằng gần như không biết về quy định này vì từ trước đến nay chưa thấy ai nhắc nhở, xử phạt cả.
Đại tá Từ Văn Vĩnh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Cục CSGT, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đang xây dựng kế hoạch, giao cho lực lượng CSGT các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Từ ngày 6 đến 9-4, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện quy định đội MBH của học sinh tại các trường học. Ngày 10-4, các lực lượng sẽ tổ chức ngày cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội MBH đối với trẻ em, sau đó duy trì theo kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm những trường hợp không đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông…
Quy định về việc xử phạt hành chính đối với hành vi không đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đã được quy định rất rõ tại Nghị định 171 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014) với mức phạt từ 100-200 ngàn đồng. Tuy nhiên, trong thực tế, việc vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Để nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của việc đội MBH, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ thông qua các buổi ngoại khóa, chào cờ đầu tuần. Phối hợp với các cơ quan chức năng thông báo các trường hợp vi phạm về gia đình, trường học, từ đó từng bước nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, giúp trẻ em tự ý thức được việc đội MBH khi đến trường.
Thực tế các vụ tai nạn giao thông cho thấy, trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu hậu quả nặng nề nhất, đặc biệt là các chấn thương sọ não do không đội MBH. Vì vậy, để bảo vệ an toàn và nâng cao ý chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho trẻ em, các bậc phục huynh cần làm gương trong việc giáo dục trẻ, quan tâm đội MBH cho trẻ trước khi tham giao thông.
Anh Tuấn