Lễ cưới của người Raglai

(NTO) Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, hôn nhân định cư bên nhà vợ. Cũng giống như người Chăm, lễ cưới của người Raglai diễn ra vào ngày thứ tư. Tuy nhiên, về cách thức tổ chức và các nghi thức lễ cưới thì khác nhau. Người Raglai có tín ngưỡng thờ đa thần nên trong lễ cưới không chịu ảnh hưởng bất kỳ yếu tố tôn giáo nào.

Trước ngày cưới chính thức một ngày, bên nhà gái lo chuẩn bị tiếp đón chàng rể mới và họ hàng nhà trai. Họ mời thầy cúng làm đại diện gia đình để cúng ché rượu cần khấn báo về việc tổ chức lễ cưới, cầu mong tổ tiên cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc bên nhau. Khi đã cúng ché rượu cần xong, nước rượu đầu tiên được rót vào một cái tô lớn dùng để cúng cơm. Lễ vật cúng cơm gồm có 1 con gà luộc để nguyên con, trầu cau, cơm, canh và rượu cần. Cầu mong cho đôi vợ chồng làm ăn giàu có, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Thiếu nữ Raglai biểu diễn nhạc cụ mả la. Ảnh: Sơn Ngọc

Đến ngày cưới đã hẹn, nhà trai tự tổ chức đi qua nhà gái, dẫn đầu họ hàng nhà trai là chàng rể kế đến người đàn ông lớn tuổi trong gia đình, người thân và bạn bè. Khi gần đến nơi, nhà gái cử đại diện ra bắt tay đón vào nhà. Chú rể và một số thành viên quan trọng trong gia đình được mời vào trong nhà ngồi, còn những người khác thì ngồi trong rạp chờ khai tiệc. Sau khi, hai họ nhà trai và nhà gái đã chào hỏi và chúc phúc cho vợ chồng trẻ, người ta bưng ra một mâm cơm gồm có 1 con gà luộc, cơm, canh, trầu cau và thuốc lá. Cô dâu và chú rể cùng nhau dùng tay bốc cơm ăn trong sự chứng giám của cha mẹ, họ hàng và bạn bè. Từ đây, họ đã thành vợ thành chồng chính thức được sự cho phép của gia đình.

Lễ cưới của người Raglai phản ánh vai trò quan trọng của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ. Do đó, cần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống góp phần làm giàu bản sắc văn hoá các tộc người bản địa ở Việt Nam.