Và thực tế công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã minh chứng cho vai trò to lớn của tầng lớp thanh niên. Với vai trò ấy, ngày nay, tầng lớp thanh niên cần chọn cho mình “lý tưởng sống” thế nào cho phù hợp là một vấn đề xuyên suốt cả quá trình xã hội.
Thanh niên tình nguyện tham gia nạo vét kênh mương tại xã Lâm Sơn (Ninh Sơn).
Ảnh: V.M
Lý tưởng từ trang sử hào hùng của dân tộc
Lý tưởng của ta không cần lớn lao nhưng lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường; không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống. Sống phải có lý tưởng! Mỗi người có thể xuất phát từ nhiều điểm khác nhau, nhưng cuối cùng mỗi người phải lựa chọn cho mình mục đích của cuộc sống. Lý tưởng chính là mục đích sống, là ý nghĩa của mỗi cuộc đời. Lý tưởng dẫn dắt sự nghiệp, tăng thêm sức mạnh cho mọi người để đạt đến thành công trong sự nghiệp. Lý tưởng cho ta sức mạnh vượt qua khó khăn và thử thách trong cuộc sống.
Quay ngược dòng chảy thời gian để minh chứng, trước toà đại hình của bọn thực dân Pháp năm 1931, Lý Tự Trọng đã khẳng định: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”..Lời nói đó đã trở thành lý tưởng sống, mệnh lệnh hành động thôi thúc biết bao thế hệ thanh niên “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” vì một chân lý sáng ngời ở tương lai “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tiêu biểu cho lý tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam gắn liền với những cái tên: Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm…. đã dệt nên huyền thoại lịch sử đáng tự hào về ngày hôm qua. Và mãi đến hôm nay, câu nói đó luôn là phương châm hành động của bao lớp thanh niên tuổi trẻ Việt Nam.
…Đến thanh niên hiện nay sống hết mình vì lý tưởng
Lý tưởng đối với tuổi trẻ như ánh sáng mặt trời với sự sống, không chỉ dừng lại ở nhận thức, ý thức và quan niệm, mà cần được tôi luyện từ thực tiễn, học đi đôi với hành, biến lý thuyết thành hành động như lời Bác dạy: “Điều gì phải thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”.
Để tiếp bước truyền thống anh hùng của các thế hệ cha anh, các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên cả nước đã phát động các phong trào như: “Hiến máu tình nguyện”, “ Mùa hè xanh”, “Chủ nhật hồng”, hay “Tiếp sức mùa thi” nhằm chú trọng hướng mạnh tới giáo dục thanh thiếu niên có lối sống vì cộng đồng, xây dựng các tiêu chí về chuẩn mực đạo đức, lối sống cho các đối tượng đoàn viên thanh niên. Các phong trào đó đã tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội, khẳng định được sức trẻ, sức khỏe và lòng nhiệt huyết của Thanh niên trong thời kỳ mới.
Dẫn lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Các thế hệ cha anh đã rửa được mối nhục mất nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, vậy các thế hệ hôm nay phải đồng lòng chung sức, quyết rửa được mối nhục nghèo nàn lạc hậu, lập nên những kỳ tích mới trong xây dựng hòa bình” để tiếp thêm sức mạnh cho màu áo xanh tình nguyện trên mọi nẻo đường của Tổ quốc với những trái tim đầy nhiệt huyết, mang cả yêu thương sẻ chia, ăm ắp tinh thần xung kích của tuổi trẻ: “Đâu cần Thanh niên có, đâu khó có Thanh niên”. Cuộc sống vẫn sáng ngời biết bao tấm gương; đó là những người lính hải quân đêm ngày nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc; những gương bác sỹ trẻ tận tâm cứu người với phương châm “Lương y như từ mẫu”; những giáo viên trẻ đến với vùng miền núi xa xôi, hẻo lánh đem cái chữ đến cho bản làng; những học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi; những anh nông dân làm kinh tế giỏi hay những doanh nhân trẻ thành đạt… và còn nhiều hơn nữa những gương thanh niên âm thầm cống hiến hết mình, phụng sự đất nước đang nở những bông hoa tuyệt quý cho cuộc đời, góp phần thắp sáng nên ngọn lửa truyền thống “mãi mãi tuổi 20 luôn rực cháy trong tim thế hệ trẻ Việt Nam”.
Với xu thế hội nhập quốc tế, đại đa số thanh niên nước nhà đã và đang không ngừng ra sức tu dưỡng về mặt đạo đức, đồng thời luôn trau dồi kiến thức để trở thành người vừa có đức, vừa có tài, ra sức “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Song cũng đáng phê phán những “hạt sạn” sống thiếu lý tưởng, có tâm lý muốn hưởng thụ hơn là cống hiến và còn sa vào các tệ nạn xã hội, bị ảnh hưởng bởi văn hoá “độc hại”của phương Tây, chạy theo vật chất tầm thường, sống ích kỷ hẹp hòi, chỉ đòi hỏi được hưởng thụ mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, với non sông đất nước.
Hòa bình không có nghĩa là hưởng thụ, lý tưởng cách mạng là một trong những yêu cầu cơ bản của phẩm chất, nhân cách con người mới. Để phát huy ngày càng tốt hơn vai trò xung kích của tuổi trẻ, cần tiếp tục quan tâm chăm lo giáo dục, nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Và trong trái tim mỗi thanh niên chúng ta hãy luôn tâm niệm “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Minh Uyên