- Kỳ thi chỉ tổ chức một đợt thi duy nhất vào đầu tháng 7-2015, TS chỉ dự thi 1 lần trong năm. Lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.
- Lịch thi sẽ kéo dài 5 ngày, trong đó 4 ngày thi chính thức là: ngày 1, 2, 3 và 4-7.
- Hồ sơ ĐKDT gồm: Túi đựng hồ sơ theo mẫu của Bộ GD&ĐT, 2 phiếu ĐKDT số 1 và số 2; bản photocopy 2 mặt Giấy CMND trên 1 mặt giấy A4; 2 ảnh 4x6 là ảnh màu kiểu Giấy CMND được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng (có ghi rõ họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, tỉnh, huyện và mã số đơn vị ĐKDT vào mặt sau tấm ảnh, 2 ảnh này đựng trong một phong bì nhỏ, ngoài ra phải dán thêm 1 ảnh vào vị trí đã xác định ở mặt trước túi đựng hồ sơ); 1 phong bì ghi rõ họ tên, địa chỉ nhận của thí sinh; bản sao hợp lệ các giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có).
- TS được lựa chọn đăng ký dự thi theo 2 cụm thi: Cụm thi do trường ĐH chủ trì (phối hợp với Sở GD&ĐT) dành cho các TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, tổ chức thi cho TS ít nhất 2 tỉnh gần nhau; cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì (phối hợp với trường ĐH) dành cho các TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh.
- Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TS bắt buộc phải dự thi 4 môn; gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn thi còn lại, gồm: Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Riêng đối với môn Ngoại ngữ, miễn thi cho những TS có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường hợp TS không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì được Giám đốc Sở GD&ĐT xem xét (theo đề nghị của hiệu trưởng) quyết định cho phép TS chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn.
- Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi sẽ được xây dựng căn cứ vào chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo phân loại được trình độ của TS, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ). Đề thi của học sinh THPT và GDTX như nhau, cùng thi, cùng xét và được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp THPT.
- Điểm xét tốt nghiệp: Gồm điểm 4 bài thi mà TS đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. TS đủ điều kiện dự thi, không có bài thi nào từ 1,0 điểm trở xuống được xét công nhận tốt nghiệp THPT, không phận loại đỗ tốt nghiệp.
- Điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10; điểm lẻ có thể đến 0,25; không quy tròn điểm.
- TS dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Áp dụng cho TS đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014; bao gồm cả TS GDTHPT và GDTX.
- Xử lý thí sinh vi phạm Quy chế thi: Có 2 hình thức mới áp dụng: Trừ điểm bài thi (trừ 25%, 50% điểm toàn bài, cho điểm không) và hủy bỏ kết quả thi.
- Đăng ký xét truyển vào ĐH, CĐ: Điểm mới so với trước đây là sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, TS mới thực hiện hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào ĐH, CĐ. Thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi để dùng cho xét tuyển.
- Mỗi phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép TS đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Khi xét tuyển nguyện vọng 1, TS dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi thứ nhất để đăng ký. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, TS được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác. Để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, TS dùng 3 bản chính giấy chứng nhận. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, TS không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước.
- Hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 gồm: Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép TS đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển; bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng với đợt xét tuyển (nguyện vọng 1 hay nguyện vọng bổ sung) có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi; một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của TS để trường thông báo kết quả xét tuyển.
- Sau khi có kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển vào ĐH, CĐ. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào này không hoàn toàn áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.
- Trong chính sách ưu tiên tuyển sinh ĐH, CĐ, chia làm ba khu vực tuyển sinh với mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm đối với thang điểm 10.
Tóm lại, những điểm mới, khác trong Quy chế thi THPT quốc gia tạo điều kiện thuận lợi hơn cho TS: Giảm nhẹ áp lực phải tham dự nhiều kỳ thi thông qua việc tổ chức 1 kỳ thi với 2 mục đích; tạo cơ hội cho TS được phát huy và tận dung tối đa những ưu thế trong học tập, thế mạnh về kết quả học tập các các môn học của học sinh, thông qua việc cho phép TS tự chọn, đăng ký môn thi tốt nghiệp, đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi THPT quốc gia.
Lương Hồng Sơn
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo