Thế giới trong tuần

1. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo “Financial Times” được đăng tải ngày 23-3, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalie Jaresko nói rằng, Kiev cần được quốc tế hỗ trợ thêm về tài chính, ngoài gói hỗ trợ trị giá 40 tỷ USD đạt được với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU). Theo bà Jaresko, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (hay còn gọi là G-7 gồm Đức, Anh, Italy, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản) cũng như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) phải có trách nhiệm cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine với quy mô lớn hơn. Người đứng đầu ngành tài chính Ukraine bày tỏ sự thất vọng vì Anh không cung cấp hỗ trợ tài chính cho Kiev, cũng như việc Mỹ và EU đang thảo luận về việc bên nào sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Kiev. Bà Yaresko nói: “Tôi đã nghe thấy bất đồng giữa các bên về cách thức chia sẻ gánh nặng. Người Mỹ nói rằng châu Âu cần làm nhiều hơn, còn người châu Âu lại nói Mỹ cần làm nhiều hơn. Đó là cuộc tranh luận thú vị, song không ai phải trả giá lớn hơn nhân dân Ukraine”. 

 
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalie Jaresko (phải) hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew.

2. Ngày 25-5, trong một tuyên bố, Hội đồng An ninh Liên bang Nga đã lên án mưu toan của Mỹ và các đồng minh phương Tây muốn tạo ra một tiến trình chính trị chống Nga ở những nước từng thiết lập quan hệ đối tác với Moskva, cũng như làm giảm ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Liên Xô. Nga cũng tố cáo Mỹ âm mưu thay đổi chế độ chính trị ở Nga bằng cách kích động các cuộc biểu tình rầm rộ - thủ đoạn mà Điện Kremlin cho là Mỹ đã áp dụng để lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hồi năm ngoái. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich đã yêu cầu Mỹ và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ bỏ các bước đi đơn phương nhằm thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu.

3. Theo trang mạng Channelnewsasia ngày 27-3, các nhà lãnh đạo nước ngoài trên khắp thế giới sẽ đến Singapore vào chủ nhật (29-3) để tham dự lễ tang cấp nhà nước đối với người sáng lập ra nhà nước Singapore hiện đại, ông Lý Quang Diệu.

Các nhà lãnh đạo trong khu vực Đông Nam Á như Vua Malaysia Abdul Halim, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng nhiều nhà lãnh đạo khác sẽ có mặt tại Trung tâm Văn hóa Đại học Singapore (UCC), nơi diễn ra các hoạt động tang lễ của ông Lý Quang Diệu. Các nhà lãnh đạo của châu Á như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, Thủ tướng Australia Tony Abbot và Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi cũng sẽ có mặt tại buổi tang lễ trên. Theo Bộ ngoại giao Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nước này cũng sẽ tham dự tang lễ cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

Ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên của Singapore và là một trong những chính khách danh tiếng nhất trong lịch sử châu Á hiện đại. Ông được ghi nhận là người có công xây dựng nhà nước Singapore hiện đại, biến Singapore từ nghèo khó trở thành quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như hiện nay.