CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Nỗi lo... tăng giá!

(NTO) Ông bạn “cố tri” của tôi lâu nay vốn ít quan tâm đến chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” trong gia đình ngoài việc phụ vợ trông coi gian hàng tạp hóa bán tại nhà, còn mọi việc lớn, nhỏ từ chi tiêu thường ngày, đến “ơn nghĩa, phải, trái...” đều do một tay vợ lo.- Sướng thế là cùng-bạn bè hay nói đùa với anh như vậy.

Thế nhưng, mới đây quanh chầu cà phê sáng anh lại “lên tiếng” than thở, có chút... lo lo về giá cả thị trường, làm cho không ít người trong nhóm bạn ngạc nhiên: - Chà chà, hôm nay ông đổi tính hay vợ... dạy mà lại quan tâm đến chuyện “thiên hạ” nhỉ!. - Tôi nửa đùa, nửa thật. Ông bạn tôi “lên giọng”: -Mấy ông thờ ơ quá, thử nhìn lại xem trong bữa ăn hàng ngày có kém món so với trước không và nguyên nhân do đâu?. Không chờ câu trả lời, anh “làm” luôn một mạch: -Tất cả là xuất phát từ “ông điện” và “ông xăng dầu” cả!.

Người tiêu dùng lo... xăng dầu tăng giá. Ảnh: Sơn Ngọc

Từ ngày 11/3 giá xăng dầu “quay đầu” tăng mạnh với 1.610 đồng/lít sau một thời gian khá dài “xuống giá”!.Tiếp đến từ ngày 16/3 giá điện tăng “một phát” lên 7,5%. Không chỉ có vậy, nghe đâu từ tháng 5 tới đây thuế bảo vệ môi trường được ngành chức năng đề xuất tăng đến 300% đối với mỗi lít xăng. Nếu như vậy thì giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường sẽ xác lập mặt bằng giá mới theo hướng tăng cao do chi phí đầu vào tăng bởi hai “ông lớn” là điện (sản xuất) và “xăng dầu” (lưu thông) chi phối như nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định…

Hóa ra, ông bạn tôi cũng rất nhạy bén với thời sự. Ngẫm lại mới thấy giật mình. Nếu như giá điện tăng thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động, lớn thì cả ngành sản xuất công nghiệp, nhỏ thì tác động đến sản xuất nông nghiệp từ cây trái, đến rau củ quả và thay đổi cả chi tiêu trong từng gia đình. Giá xăng dầu tăng cũng sẽ được cộng vào chi phí mọi sản phẩm hàng hóa và trực tiếp “thụ hưởng” vẫn là người tiêu dùng trong khi điều rất đáng quan tâm là thu nhập của lao động phổ thông chỉ bằng hoặc giảm do thiếu việc làm còn người làm công ăn lương thì lại quá... ổn định!.

Giải pháp để “tháo gỡ”, trước mắt không gì khác hơn là mọi gia đình cứ học lại bài mà cha ông đã dạy: “liệu cơm gắp mắm” để bảo đảm hài hòa chi tiêu trong cuộc sống thường nhật. Suy cho cùng “tiết kiệm”- bài học tuy cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình tăng giá như hiện nay.