Đừng làm bạn đau...

(NTO) Chị Tâm cạnh nhà chia sẻ, một lần, cô bạn thân đưa con trai đến nhà chị chơi. Hai bé trai có vẻ rất hợp nhau và nhanh chóng bày trò chơi. Nhưng chỉ được dăm, bảy phút sau… chị nghe tiếng chí chóe, chạy ra xem, đã thấy hai bé đang vật nhau, cố dùng hết công lực của đôi tay và bàn chân để kéo tóc, cào mặt… và ghìm chặt lẫn nhau.

Khi chị còn chưa biết phản ứng thế nào thì cô bạn chị nhanh nhẹn đến tách hai đứa ra và quay sang nghiêm mặt nhìn cậu con trai hàm ý “Con còn đánh nhau nữa thì ăn đòn!”. Nhưng hai bé vẫn không buông nhau nếu chưa phân thắng bại. Chúng lại lao vào nhau. Sau 1 phút loay hoay, cuối cùng cũng tách được hai bé ra. Ngay lập tức, bạn chị Tâm dùng tay đánh vào mông con mấy cái thật mạnh và hỏi “Con có đau không?”. Cậu bé khóc toáng lên nức nở: “Con đau quá, mẹ ơi!”–“Đau sao con còn đánh bạn? Lần sau con có làm thế không?”–“Dạ không”.

Chị Tâm thì thầm vào tai bạn: “Sao An lại đánh con mạnh tay thế? Biết đâu nguyên nhân “cuộc chiến” này là do con mình gây sự trước?”. Cô bạn khẽ lắc đầu, ra hiệu cho chị Tâm im lặng. Đến khi chỉ còn hai người, bạn chị mới giải thích rằng, khi bé đánh người khác, bé đâu biết mình đang làm người khác đau, mà cứ nghĩ là bình thường. Sở dĩ đánh con đau như thế là để cho bé trải nghiệm, cho bé hiểu cảm giác bị đánh thì đau như thế nào. Thay vì lờ đi, coi như không biết gì hoặc quát mắng trẻ khi chúng gây sự đánh nhau với bạn thì tốt nhất, nên cho trẻ “nếm” vị đòn đau ngay sau khi trận chiến diễn ra... Vậy mà chỉ ít phút sau, cả hai cu cậu đều ngoan ngoãn vòng tay xin lỗi mẹ, vui đùa như chưa có gì trước đó. Thật thú vị! Sau đó, cả hai bà mẹ đều thống nhất cùng dạy con kiểm soát cảm xúc, luôn trò chuyện, chia sẻ với con hằng ngày để kịp thời uốn nắn trẻ. Có thể đưa ra hình phạt phù hợp nếu bé vẫn lặp lại hành vi đánh bạn. Mẹ nên kể những câu chuyện, đọc cho bé nghe một số cuốn sách đề cập tới hành vi đánh bạn, để cho bé biết rằng “đánh bạn là không ổn chút nào cả” và bài học rút ra là “ không nên đánh bạn”. Đồng thời kiểm soát những trò chơi điện tử hay chương trình hoạt hình mà bé thường theo dõi, trong đó có thể ẩn chứa những nội dung bạo lực gây ảnh hưởng đến bé, nhất là bé trai càng chịu ảnh hưởng nhanh hơn.