Theo đó, yêu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa cho học sinh cần phù hợp với chương trình giáo dục pháp luật chính khóa.
Cụ thể: Với học sinh THCS là những nội dung liên quan đến giá trị đạo đức, quyền và nghĩa vụ công dân.
Với học sinh THPT là những nội dung liên quan đến đạo đức, kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật cơ bản.
Phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa cho học sinh cần tập trung những quy định pháp luật cơ bản, cần thiết liên quan tới học sinh, như: Quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, pháp luật về thanh thiếu niên;
Chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy và tệ nạn mại dâm, giáo dục giới tính và phòng chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, biện pháp chăm sóc sức khỏe vị thành niên, bảo vệ môi trường;
Phổ biến các nội dung Luật Biển Việt Nam, về chủ quyền biển, đảo và chiến lược biển của Việt Nam, pháp luật về cư trú, pháp luật về lao động và việc làm, hôn nhân và gia đình, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật về lao động và an toàn lao động, Luật Phòng cháy chữa cháy;
Cùng với đó là các hiểu biết nhất định về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, các quy định pháp luật có liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, nếp sống văn minh đô thị và quy định của chính quyền địa phương đối với học sinh cư trú trên địa bàn.
Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giáo dục có liên quan đến học sinh như: Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009, các quy chế, quy định liên quan trong công tác giáo dục và đào tạo, công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD&ĐT;
Các nội quy, quy chế quy định của nhà trường, thông tin liên quan đến chủ trương tín dụng, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh, những nội dung trọng tâm của năm học, các quy định khác của ngành giáo dục.
Tập trung có chiều sâu và hiệu quả các nội dung trọng tâm của ngành như: đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục chuẩn mực đạo đức công dân cho học sinh.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu đa dạng hóa các hình thức thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa cho học sinh, trong đó tập trung vào một số hình thức như: Tuyên truyền miệng; thông qua tài liệu tuyên truyền; qua tư vấn, trợ giúp pháp lý; phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng; thông qua hình ảnh trực quan sinh động…
Đồng thời, triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa lồng ghép vào các hoạt động giáo dục, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đợt sinh hoạt chính trị, tuần sinh hoạt công dân, nói chuyện chuyên đề, hội thi do nhà trường tổ chức.
Đặc biệt, phổ biến, giáo dục pháp luật ngoại khóa thông qua các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại