Chuyện kể rằng có lần Bác đi xuống địa phương kiểm tra, vì Bác rất hay về địa phương để kiểm tra công việc. Khi ôtô của Bác đến địa đầu của một tỉnh, Bác thấy một đoàn người xếp hàng ngang có ý chờ Bác, mà sao mặc quần áo lại giống nhau y hệt: cùng quần nâu, áo vải, đội mũ lá, vai vắt khăn mặt bông trắng, có vị còn xắn quần chống gậy như Bác ra trận địa năm 1950 ở biên giới. Bác mở cửa, xuống xe đến gần và hỏi thăm ân cần từng người. Hóa ra toàn là Bí thư, Chủ tịch, toàn là Thường vụ đi đón Bác cả. Các vị bảo nhau rằng muốn được Bác khen là giản dị thì mặc giống Bác như thế. Bác mỉm cười độ lượng và rất hóm hỉnh, Bác nói, các chú đóng kịch khéo lắm, thôi bây giờ về thay quần áo đi, Bác đợi làm việc.
Qua câu chuyện kể trên, chúng ta thấy việc học theo tấm gương của Bác không phải là học một cách máy móc, hình thức, không phải là đóng kịch, bắt chước, giáo điều. Duy nhất chỉ có một nhóm người là diễn viên được giao nhiệm vụ đóng vai Bác thì mới được làm như vậy, nhưng phải làm rất công phu và phải phải hóa thân. Còn học tập tấm gương đạo đức và làm người theo tư tưởng của Người thì mỗi chúng ta phải sáng tạo, phải học cái tâm, cái trí của Bác để làm tốt công việc hàng ngày của mỗi người. Đó chính là học theo Bác để làm theo Bác. Có lẽ rằng ai có tâm, có trí, có tình đều học và làm theo Bác được. Từ nhà lãnh đạo cao cấp đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân thường, từ cháu nhỏ đến cụ già, ai cũng học theo Bác được, miễn là người đó có nhu cầu, có tự nguyện và cảm thấy có nhu cầu văn hóa hay không, bởi Người đã thâu thái vào mình những tri thức tinh hoa của cả hai nền văn hóa Đông, Tây.
Thiết nghĩ, trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, thì mỗi chúng ta cần học tập phong cách, nghị lực, trí tuệ, động cơ và lẽ sống của Bác, để mỗi chúng ta làm tốt hơn những công việc theo chức trách của mình, cụ thể là:
Trước hết, trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân theo gương của Bác. Muốn thế, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công chức, viên chức cần cập nhật và nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tự rèn luyện đạo đức cách mạng, chống quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, tự tư tự lợi, thường xuyên cố gắng rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, thẳng thắn, trung thực và tận tụy trong mọi hoạt động, không ngừng tự học tập, nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn để đáp ứng và hoàn thành tốt những nhiệm vụ của mình trong điều kiện mới.
Thứ hai, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công chức, viên chức cần noi theo gương Bác là luôn “mưu cầu vì lợi ích của nhân dân”, luôn tích cực và tự giác trong việc thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, nâng cao tính chuyên nghiệp, tính thực tiễn trong công việc để đáp ưng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, của nhân dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các cán bộ, đảng viên, các công chức, viên chức phải luôn cố gắng chia sẻ, động viên, giúp đỡ trên tinh thần xây dựng cho đồng chí, đồng nghiệp cùng tiến bộ, thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện của các hiện tượng tiêu cực, nhằm hoàn thành những nhiệm vụ được giao để phục vụ và bảo vệ lợi ích chính đáng, cả về vật chất, lẫn tinh thần, dù là nhỏ nhất của nhân dân.
Thứ ba, trong mọi hoạt động của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần học gương Bác là khéo làm công tác dân vận, vận động nhân dân theo phương châm: “Nói phải đi đôi với làm”. Trước hết cần chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho nhân dân, nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức thực hiện pháp luật cho nhân dân, để nhân dân tự giác thực hiện tốt pháp luật, góp phần xây dựng ý thức pháp luật, xã hội công dân ổn địmh, văn minh hơn.
Thứ tư, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong Bộ máy nhà nước nói riêng, trong cả Hệ thống chính trị nói chung cần là tấm gương sáng trong việc thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước cho nhân dân noi theo, mà trước hết là người đứng đầu phải hết mực công tâm và không vì lợi ích riêng tư nào. Muốn thế, trước hết mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tự phát hiện ra những sai sót, dù là nhỏ nhất, trong hoạt động, công tác của mình và tự sửa chữa ngay những sai sót đó. Qua đó góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả công tác của mình, tức là đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chung của toàn cơ quan, đơn vị, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Hiện nay, khi toàn Đảng ta đang tích cực thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đặc biệt năm 2015, Bộ phận giúp việc Ban Bí thư thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị đã quyết định tiếp tục triển khai việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chuyên đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với Nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” thì việc đọc lại những câu chuyện về Bác, soi tấm gương đạo đức mẫu mực của Bác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong công tác Xây dựng Đảng trong điều kiện hiện nay.
Thiết nghĩ, mỗi chúng ta, hàng ngày bỏ ra chút ít thời gian nhất định để đọc đi, đọc lại và suy ngẫm những lời dạy bảo, những câu chuyện, những bài viết, bài nói chuyện và những việc làm của Bác, để học tập và làm theo tấm gương đạo đức mẫu mực của Người là cách tốt nhất để mỗi chúng ta tự rèn luyện mình trở thành người cán bộ, đảng viên, người công chức, viên chức thật sự trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu để góp phần vào sự thành công chung trong sự nghiệp xây dựng xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên đất nước ta ngày nay.
TS. Trương Tiến Hưng
Phó Hiệu trưởng Trường chính trị Ninh Thuận