Chỉ thị: Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh

(NTO) Trong thời gian qua, công tác phòng, chống hạn đã được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, tích cực nên đã mang lại hiệu quả, hạn chế được thiệt hại do hạn hán gây ra đối với đời sống và sản xuất của người dân.

Trong điều kiện nắng hạn kéo dài đã tổ chức điều tiết nước hợp lý, bảo đảm đủ nước tưới cho hầu hết diện tích gieo trồng theo kế hoạch; kịp thời hỗ trợ, giải quyết tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của tình hình khô hạn.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống hạn vẫn còn một số hạn chế như sau: Một số cấp uỷ, chính quyền xã, thôn chưa sâu sát với tình hình thực tế tại địa phương, chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ, chưa có ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Công tác chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp trong tình hình hạn hán còn chậm; chưa xây dựng kế hoạch, phương án di dời đàn gia súc, gia cầm tại những vùng hạn hán đến những địa điểm thuận lợi.

Dự báo thời gian tới, khả năng nắng hạn trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục xảy ra trên diện rộng và gay gắt hơn (tính đến ngày 25/02/2015, tổng dung tích 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện còn 30,37 triệu m3/192,21 triệu m3, chiếm 15,8% dung tích thiết kế). Vì vậy, cần xác định nhiệm vụ phòng, chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu cùng với việc chỉ đạo đại hội Đảng các cấp, phải huy động cả hệ thống chính trị để tập trung triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, chủ động hơn nữa nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Ban Thường vụ tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1/ Tập trung tuyên truyền sâu rộng các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống hạn và phòng, chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống hạn; tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước và giữ gìn vệ sinh nguồn nước.

2/ Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống hạn với mục tiêu “không để dân đói, không để dân khát, không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh”.

- Huy động tối đa các nguồn lực, nhất là phát huy hết các nguồn lực tại chỗ, đồng thời tranh thủ, sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Trung ương cho công tác phòng, chống hạn; trong đó, cần xác định rõ phương thức hỗ trợ của nhà nước (về giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn cho gia súc, gia cầm…) phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương.

- Trong điều kiện xảy ra nắng hạn gay gắt, cần tập trung ưu tiên giải quyết nước uống, nước sinh hoạt cho người dân; nước uống cho gia súc, gia cầm. Chủ động đề ra giải pháp kịp thời để hạn chế thiệt hại cho sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh việc nghiên cứu, định hướng và khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, nhất là những giống cây trồng ít sử dụng nước tưới, có khả năng chịu hạn cao gắn với việc áp dụng các mô hình sản xuất tiết kiệm nước.

- Khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án di dời cụ thể đàn gia súc, gia cầm trong từng huyện, từng xã và giữa các xã với nhau. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tập trung xử lý triệt để ổ dịch trên gia súc, gia cầm, không để lây lan trên diện rộng.

- Chỉ đạo tổ chức nạo vét kênh mương, nhất là ở vùng hạ du; kịp thời tu sửa các hạng mục công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, xuống cấp; tiến hành nạo vét, dọn vệ sinh các giếng khoan còn có thể sử dụng, đồng thời chủ động có kế hoạch đào ao, mở giếng mới nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho người và gia súc. Ở những vùng hạn hán nghiêm trọng, cần xem xét tạm dừng triển khai các hoạt động chưa thật sự cần thiết như xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng,… để tiết kiệm nước.

- Về công tác phòng, chống cháy rừng: Chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với phương châm “phòng là chính”; nghiêm cấm những người không có nhiệm vụ vào rừng, hoặc có hành vi mang vật liệu dễ cháy nổ vào rừng nhằm hạn chế khả năng xảy ra tình trạng cháy rừng; chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.

- Chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất tổ chức các hoạt động, phong trào nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.

3/ Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh khẩn trương xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát về công tác triển khai phòng, chống hạn, phòng chống, cháy rừng trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy để kịp thời chỉ đạo.

4/ Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, hội quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tích cực tham gia phòng, chống hạn; phòng, chống cháy rừng; giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy.

5/ Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống hạn trên địa bàn. Đồng thời, duy trì chế độ giao ban định kỳ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá về kịp thời chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn và phòng, chống cháy rừng, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

6/ Ban Tuyên giáo tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông, báo, đài tập trung tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy và tình hình tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị; tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin tuyên truyền về các giải pháp phòng, chống hạn; thường xuyên thông tin diễn biến tình hình khô hạn trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, tuyên truyền và phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác phòng, chống hạn.

7/ Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh xây dựng kế hoạch, chủ động tham gia hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống hạn và xem đây là nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình.

8/ Văn phòng tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy.

Chỉ thị này được quán triệt đến các chi bộ và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân.