UBTVQH thảo luận chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 35, sáng 26/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Làm rõ một số nội dung trong Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Theo báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, sau khi tiến hành rà soát lại đơn giá và mức đầu tư thì dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã giảm tổng mức đầu tư so với lần trình Quốc hội trước. Cụ thể, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 5.236 triệu USD, giảm khoảng hơn 2.600 triệu USD so với dự toán đã trình Quốc hội. Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác của tổng vốn đầu tư toàn bộ Dự án ở cả 3 giai đoạn, tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện, chỉ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước vào những hạng mục đầu tư không thể huy động vốn từ doanh nghiệp.

Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, việc đầu tư xây dựng Cảng hành không quốc tế Long Thành là cần thiết. Việc đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt để xây dựng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư, trong đó trục lộ giao thông chính cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vừa đưa vào khai thác. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, tính toán lại diện tích của Dự án xem có cần thiết sử dụng đến 5.000 ha đất không vì một phần lớn diện tích không liên quan trực tiếp đến Dự án là 2.250 ha, bao gồm 1.050 ha đất dành cho quốc phòng và 1.200 đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không.

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng trình bày Tờ trình tại phiên họp sáng 26/2.
(Ảnh: TTXVN)

Nhất trí về sự cần thiết xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, tuy nhiên, qua thảo luận, đa số thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá tác động toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, nhất là tác động đến ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ cơ chế tài chính cho dự án, tổng thể ngân sách nhà nước tham gia vào dự án là bao nhiêu, đồng thời tính toán lại hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án sau khi đã giảm tổng mức đầu tư.

Ông Phùng Quốc Hiển cũng dẫn ý kiến có chuyên gia cho rằng: Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khó phát huy được vai trò trung chuyển vì khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào sử dụng chỉ có thể làm trung chuyển cho 3 nước là Indonesia, Philippines, Australia. Tuy nhiên 2 nước Indonesia, Philippines lại rất gần Long Thành nên khó có thể khai thác chức năng trung chuyển, như vậy, Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ có thể trung chuyển cho Australia. Làm rõ nội dung này để khẳng định được sự cần thiết của Dự án - Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, trong điều kiện nguồn vốn khó khăn như hiện nay, cần tính toán đặt dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành trong trật tự ưu tiên phát triển các loại hình vận tải bao gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không. Nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ cần xây dựng một số đề án riêng về di dân tái định cư cho người dân trong diện thu hồi đất, đề án chuyển đất dự trữ cho an ninh quốc phòng.

Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, Chính phủ đã tiến hành rà soát lại đơn giá và mức đầu tư, qua rà soát cho thấy tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 5.236 triệu USD, giảm khoảng 2.601,6 triệu USD so với dự toán trình Quốc hội với cơ cấu vốn là: ODA 1.389,4 triệu USD (chiếm 26,53%), vốn ngân sách Nhà nước 578,3 triệu USD (chiếm 11,05%), vốn doanh nghiệp, cổ phần, PPP... 3.268,8 triệu USD (62,42%).

Thảo luận về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác tổng vốn đầu tư của toàn bộ Dự án (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện; có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và vấn đề nợ công...

Ngay trong việc giảm đơn giá và mức đầu tư của giai đoạn 1 cũng cần phải giải trình cụ thể nguyên nhân vì sao giảm đơn giá... Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và một số ý kiến khác đề nghị báo cáo cần làm rõ hơn về cơ chế thu hồi vốn của Dự án...

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết: Về cơ chế tài chính, dự án này có tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 30%. Nếu Chính phủ đồng ý cho Tổng Công ty cảng hàng không sử dụng toàn bộ vốn cổ phần hóa được giữ lại ở Tổng Công ty và các đơn vị thành viên, đồng thời bán Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cho nhà đầu tư trong nước, dùng toàn bộ số tiền đó để đầu tư thì sẽ không dùng đến vốn ngân sách nhà nước. Còn về hiệu quả của dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Toàn bộ các dự án cảng hàng không từ trước đến nay đều làm ăn có lãi. Đánh giá nợ công, Bộ trưởng khẳng định: Bộ đã có tính toán và chỉ số tác động đến nợ công thấp hơn nhiều so với phương án trước đây.

Quản lý hiệu quả hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Về phạm vi điều chỉnh, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đề nghị chỉnh sửa lại phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với nội dung của Luật, đồng thời rà soát để tránh chồng chéo, trùng lắp với các Luật khác, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; xác định rõ nội dung quản lý tổng hợp tài nguyên các vùng biển và hải đảo, bảo đảm không trái Luật biển Việt Nam và phù hợp Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển.

Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho nêu rõ: Dự thảo Luật đã bám sát mục tiêu ban hành Luật là để quản lý có hiệu quả hơn các hoạt điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo trên các vùng biển của nước ta bằng phương thức quản lý tổng hợp. Nhiều quốc gia có biển trên thế giới đã áp dụng phương thức quản lý này có hiệu quả.

Trên thực tế, ở nước ta, từ năm 2007 việc quản lý biển bằng phương thức tổng hợp đã được triển khai tại dải ven biển Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là phương thức quản lý theo phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực. Do vậy, Luật này chỉ tập trung quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp, không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể nên không chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Việc quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trong Dự thảo Luật không trái với Luật biển Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban soạn thảo đã rà soát đối chiếu các quy định trong Dự thảo Luật này với quy định của các luật quản lý loại tài nguyên cụ thể như Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí, Luật Thủy sản…;chỉnh sửa, bổ sung Điều 1 theo hướng quy định cụ thể, đồng thời bổ sung nội dung quy định về áp dụng pháp luật để thể hiện rõ phạm vi điều chỉnh, phân định phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật chuyên ngành.

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung: điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Chương III); quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đới bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên đới bờ (Chương IV); về “Nhận chìm ở biển”... trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam