Tản mạn về tuổi teen

(NTO) Trong tiếng Anh, có một tổ hợp từ được sử dụng rộng rãi: teen-age (mươi năm trở lại đây, chúng ta gọi là tuổi teen), dùng để chỉ các thanh, thiếu niên có độ tuổi từ 13– 19.

Đây là từ chỉ lớp tuổi mới lớn (dậy thì) và đang tiến gần đến độ trưởng thành. Tuổi teen được coi là thế hệ đặc biệt, cứ như là mấy chú gà “choai”, không còn là gà con, nhưng cũng chưa “đủ chín” để có thể nhổ lông, cho vào nồi được. Lứa tuổi này thường suy nghĩ lắm điều hay, thích “khai phá” tư duy cái mới, cái lạ nhưng đồng thời cũng “tiềm ẩn những sắc màu” tối, sáng rối rắm, nhiều sự lệch lạc, phức tạp, phá cách ghê gớm!

Chợt nhớ, hồi học lớp 8, lớp 9 gì đó, nội quy nhà trường công lập duy nhất tỉnh rất nghiêm, đối với nam sinh: Quần tây xanh dương, ống vừa phải, áo sơ mi trắng, tóc không dài phủ mép tai… Thế nhưng nhiều chú “choai” lì lợm, phá cách, chơi luôn áo màu, quần trắng, ống quần loe to, tóc tai như… bờm ngựa, đã thế còn phì phèo điếu thuốc, trông ra… người lớn kinh khủng. Thế rồi, đội trật tự nhà trường (như đội cờ đỏ bây giờ) “tóm” lên Phòng giám thị, bị “sởn” tóc, cắt ống quần…, lại còn được nêu… “chiến tích” trong chào cờ đầu tuần, cha mẹ được mời lên “làm việc”. Ôi thôi đủ thứ biện pháp răn đe dữ dằn. Thế nhưng các “choai” đó vẫn không tởn, vẫn “phấn đấu giữ vững” danh hiệu “cá biệt” nhiều năm liền, rất khó mà sửa đổi ngay tức thì được!

Chợt nhớ, hồi trước, đối diện cơ quan mình có trường cấp ba cũng danh tiếng một thời, đầu tuần nào cũng chào cờ, đọc bảng xếp hạng thi đua tuần các lớp, rồi cũng nhận xét, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu rầm rầm, phong trào khí thế; đôi ba bữa có các chú cảnh sát nói chuyện chuyên đề về an toàn giao thông, các cháu tuổi teen chăm chú lắng nghe… lúc đó, nhưng khi tan học thì hình như chưa được… thấu hiểu cho lắm; ngay đèn đỏ trước trưởng, hoặc đèn đỏ ngã tư Thống Nhất-Quang Trung, các chú cảnh sát lại tuýt còi các cháu chở ba, không mũ bảo điểm hoặc vượt đèn đỏ ào ào, chóng mặt. Thế mới ngạc nhiên về cái học và… hành, về cách tiếp thu, ứng xữ và cái… “ngang tàng” của tuổi teen.

Hôm rồi, ghé lại thăm đứa cháu ở vùng quê, bán thuốc tây. Hỏi tình hình làm ăn, cháu thật thà: cũng được, thuốc tây kèm ba thứ… linh tinh cũng vui. Là sao? Dạ, thì … phụ tùng tránh thai cho… lũ nhỏ! Như để giải đáp cho “con mắt chữ O, cái miệng chữ A” của tôi, một chú “choai” dừng chiếc xe điện, vào quầy nói lí nhí: Dạ, cô bán cho… má con cái que… thử… loại tốt. “Má-con” đâu chả thấy, chỉ thấy có “cái đuôi” thằng “choai” ló ra, phía ngoài là một con “choai”, lô-gô trường THCS trên áo, khẩu trang kín mít, nhưng nhìn trộm bằng đôi mắt lo âu, không còn gọi là… trong sáng nữa!

Đó, tuổi teen là vậy, có say mê, có khai phá, nhưng cũng không tránh khỏi những những rối rắm, phức tạp, phá cách như thế, có thế mới là tuổi “choai”. Thời nào cũng vậy; “choai” lứa chúng tôi cách đây hơn 40 năm cũng thế, có khi còn “ác liệt” hơn “choai” lúc này nhiều! Có điều là cách “thể hiện” mỗi thời mỗi khác; có thể do cơ chế, do hội nhập, do xã hội phát triển, cuộc sống đủ đầy hơn, tinh tươm hơn nên “choai” bây giờ thể hiện “đẳng cấp” hơn chăng? Tuy nhiên, nói gì thì nói, chúng ta nhìn sự vật với xu thế ngày càng phát triển hơn, hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn; đừng nhìn tuổi teen bằng lăng kính màu xám. Xám hay hồng là do xã hội, do từng gia đình chúng ta dạy dỗ, giáo dục mà nên. Nói chung tuổi teen cần qua cái “đốt” mới cứng cáp, mới trưởng thành và vững vàng trước cuộc sống hơn. Có nhỏ mới có lớn, đó là quy luật vậy!

Tôi cũng có mấy đứa cháu đang “choai”; lo lắng ghê gớm, “để mắt” tới ghê lắm, thả ra là mấy “ổng” hư ngay. Tuổi teen, chúng ta đừng xem là chuyện đùa!