Vấn đề hôm nay:

Cần tạo cho doanh nghiệp “cú huých”!

(NTO) Theo thống kê mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 1-2015 toàn tỉnh hiện có 2.710 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 17.220 tỷ đồng. Trong số này, nhiều nhất là lĩnh vực thương mại-dịch vụ với 1.200 doanh nghiệp (DN), kế đến là xây dựng có 569 DN, nông-lâm-thủy sản có 601 DN, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có 340 DN…

Để hỗ trợ các DN phát triển, chỉ tính trong năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, liên quan triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Thực hiện chính sách hỗ trợ về tài chính, ngành Thuế đã xem xét gia hạn nộp thuế cho 41 DN xây dựng cơ bản với số thuế trên 24,7 tỷ đồng; hoàn thuế GTGT cho 34 DN với tổng số thuế trên 56,5 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn bố trí trên 83 tỷ đồng để thanh toán cho các công trình XDCB đã hoàn thành… Đối với chính sách hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cơ cấu lại thời gian trả nợ vay cho trên 500 hợp đồng tín dụng (HĐTD) với tổng vốn vay 154,1 tỷ đồng; điều chỉnh lãi suất cho vay 185 HĐTD với số lãi được miễn, giảm 7,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có trên 1.010 DN đang vay vốn ngân hàng thương mại để đầu tư sản xuất, kinh doanh (SX-KD) với tổng dư nợ trên 4.080 tỷ đồng, chiếm gần 60% số DN đang hoạt động và chiếm 47,9% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực chú trọng việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN về các thủ tục hành chính như tổ chức trên 21 hội nghị chuyên đề đối thoại trực tiếp với hơn 750 lượt DN, nhà đầu tư… Theo đó, đã giải quyết những vướng mắc, kiến nghị cho trên 420 lượt DN, nhà đầu tư góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN và nhà đầu tư trong hoạt động SX-KD, qua đó đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội…

Tuy nhiên, thực tế cũng cần nhìn nhận rằng, phần lớn DN trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ, vốn SX-KD phần lớn đều phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại nên rất dễ bị “tổn thương” bởi các chính sách tiền tệ, lãi suất và cả biến động giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào. Trang thiết bị, công nghệ của nhiều DN còn lạc hậu dẫn đến năng suất lao động thấp, thiếu tính cạnh tranh cao. Đó là chưa đề cập đến năng lực quản lý, điều hành của không ít DN còn hạn chế so với yêu cầu phát triển và thực tế đã chứng minh rằng có nhiều DN trong tỉnh chưa đủ năng lực để tạo ra “sức đề kháng” cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả… trước những biến động của thị trường thế giới và trong nước dẫn đến nhiều nguy cơ thua lỗ.

Vấn đề đặt ra là, để giúp cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh yên tâm SX-KD phải tạo “cú huých” mạnh. Theo đó, đầu tiên là các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, nhất là các vướng mắc về thủ tục hành chính trên lĩnh lực đất đai, xây dựng, môi trường, thuế… để thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước… Ngân hàng cần tạo điều kiện tốt hơn để các DN tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư thúc đẩy SX-KD. Mặt khác, cần hỗ trợ giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục pháp lý, tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế cùng phát triển. Tiếp tục phát huy sự chủ động liên kết, hợp tác phát triển ngày càng có hiệu quả giữa các tỉnh trong khu vực. Đối với các DN cần đẩy mạnh tái cơ cấu DN với bước đi và lộ trình phù hợp định hướng phát triển kinh tế của tỉnh và khả năng, đặc thù của từng DN…

Với những dự báo khá lạc quan về khả năng phục hồi nhanh của nền kinh tế thế giới và trong nước tin rằng năm 2015, sẽ mở ra những thuận lợi và cơ hội phát triển mới cho các DN. Vấn đề còn lại chỉ là “vận hành” bằng bản lĩnh, trí tuệ… của các DN mà thôi.