Những người giữ mùa xuân trên Núi Chúa

(NTO) Những tán cây rừng đan vào nhau như một tấm thảm xanh rì phủ trên núi đồi trùng điệp. Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa hiện ra trước mắt chúng tôi hùng vĩ mà quyến rũ, mạnh mẽ mà thanh bình đến lạ. Màu xanh của núi rừng nơi đây được gìn giữ, bảo vệ bởi quyết tâm và tình yêu của những cán bộ kiểm lâm VQG Núi Chúa.

Sau ba lần “lỡ hẹn” với Núi Chúa vì thời tiết xấu, cuối cùng, khi nắng ấm mùa xuân chan hòa, chúng tôi đã được theo chân các cán bộ kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm Bình Tiên, cộng với lực lượng kiểm lâm tăng cường từ các Trạm Kiểm lâm Suối Giếng, Bỉnh Nghĩa (đều thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Núi Chúa). Từ cầu suối Nước ngọt, chúng tôi đi theo con đường mòn chạy dọc suối, ngược dòng nước chảy để tiến vào vùng lõi rừng phía Đông Bắc, nơi có điều kiện khí hậu khá tốt, cây mọc rậm rạp, tập trung nhiều loài cây gỗ thân to, quý hiếm.

 
Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng thuộc VQG Núi Chúa. Ảnh: V.M

Đường mòn rừng khúc khuỷu, cây lá chen um tùm, nhiều đá lởm chởm, dốc lên rồi dốc xuống, nhiều đoạn trơn trượt rất khó đi, khiến chúng tôi phải chia hành trình thành từng chặng nhỏ, đi khoảng 30 phút lại nghỉ chân. Anh Trần Minh Tuấn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bình Tiên cho biết: Trạm tổ chức đi tuần tra 1 - 2 lần/tuần, mỗi lần đi từ 1 – 2 ngày. Vào những đợt cao điểm, anh em đi liên tục. Đi nhiều như vậy nên quen chân, đi khoảng 2 giờ mới nghỉ một lần. Anh cũng cho biết, con đường chúng tôi đang đi thuộc vào diện dễ đi nhất trong số 4 tiểu khu 139, 140, 147, 148 mà Trạm Kiểm lâm Bình Tiên được giao quản lý, với tổng diện tích trên 4.000 ha.

VQG Núi Chúa có tổng diện tích tự nhiên 29.860 ha, nằm trên địa bàn hai huyện Thuận Bắc, Ninh Hải. Với vị trí bao bọc khung viền bởi Quốc lộ 1A, tuyến đường ven biển 702, lại nằm gần nhiều khu dân cư vùng đệm, rừng ở đây dễ bị xâm nhập từ nhiều hướng. Trong khi đó, một bộ phận người dân các xã nằm trong lâm phần có tập quán sinh sống dựa vào rừng, thường xuyên tác động tới tài nguyên rừng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Dọc đường tuần tra, các cán bộ kiểm lâm chia ra thành nhiều nhóm nhỏ, rẽ vào các đường nhánh để kiểm tra những hiện trường cũ, đặc biệt là các lò hầm than cũ. Anh em phải liên tục kiểm tra để phá các điểm lò ngay ở giai đoạn đầu tiên. Hầm than là hoạt động phá rừng nguy hiểm nhất, vì họ chặt phá tất cả các cây không kể lớn nhỏ, dẫn đến phá vỡ hệ sinh thái rừng.

Anh Kiều Gia Thắng, cán bộ kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm Suối Giếng cho biết: Qua các đợt tuần tra, truy quét, anh em nắm được những phương thức hoạt động của các đối tượng “lâm tặc”, cộng với sự nhạy bén trong phát hiện từ dấu vết trên đường đi nên kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng.

Lên đến một đoạn suối mà đơn vị thường làm điểm dừng chân, anh em kiểm lâm nhanh chóng cất hành lý, mắc võng, bày biện đồ nấu cơm. Bữa trưa đạm bạc nhưng rộn tiếng cười, gió mát lành và tiếng suối róc rách xua đi mệt mỏi của chặng đường dài. Sau khi nghỉ trưa, tầm 12 giờ, anh em lại tiếp tục đi lên đầu nguồn con suối để kiểm tra.

Chỉ vào một vài gốc cây là hiện trường khai thác gỗ cách đây đã 2, 3 năm, Trạm trưởng Tuấn cho biết: Để có một thân cây như thế này mất hàng mấy chục năm mà bị cưa đổ như vậy. Có thể nói, trong năm 2014, đơn vị thực hiện quyết liệt chỉ đạo của cấp trên, tăng cường công tác tuần tra, truy quét nên tình hình khai thác gỗ, phá rừng trong năm đã giảm nhiều so với những năm trước.

Mùa xuân về trên Núi Chúa bằng những nụ mai rừng e ấp, những chồi non mở mắt, tiếng chim gọi bạn rộn ràng. Dưới nắng ban mai dịu dàng, bóng những người kiểm lâm di chuyển qua vách núi cheo leo, lúc ẩn lúc hiện sau những tán cây. Hơn ai hết, các anh yêu rừng núi xanh tươi, xinh đẹp này, yêu từng góc cây, từng con suối, gắn cuộc đời mình với sắc xuân xanh của VQG Núi Chúa.