Phóng viên: Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư, một năm vừa đi qua với nhiều sự kiện quan trọng. Xin đồng chí cho biết những điều gì để lại ấn tượng nhiều nhất?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể nói, năm 2014, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo, xung đột vũ trang, mâu thuẫn sắc tộc diễn ra ở nhiều nơi; tranh chấp chủ quyền trên biển, đảo phức tạp, căng thẳng; sự chống phá của các thế lực thù lịch ngày càng quyết liệt, tác động đến toàn cầu, khu vực, trong đó có Việt Nam. Song, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đoàn kết phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, đạt nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2013, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo; cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Độc lập chủ quyền và môi trường hòa bình được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
Nhân chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm cán bộ
và nhân dân huyện Bác Ái (Tháng 7-2014). Ảnh: V.M
Cùng với những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tiến hành đồng bộ; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng từng bước được nâng cao. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo những chuyển biến tích cực trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác tư tưởng, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát trong Đảng tiếp tục được đổi mới. Công tác cán bộ (bao gồm cả việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển,…) được tăng cường. Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng được tiến hành bài bản, chặt chẽ. Tuy chưa đạt kết quả như mong muốn, nhưng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng bước đầu tạo những chuyển biến tích cực, ít có nghị quyết nào mà Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo quyết liệt như thế.
Hoạt động của Quốc hội, công tác điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục có những đổi mới, hiệu quả, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Việc lấy tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là bước tiến mới của Quốc hội trong việc nâng cao hiệu lực giám sát. Mặt trận Tổ quốc ngày càng đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hoạt động đối ngoại cũng là một điểm sáng của năm 2014. Đã triển khai khá toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nhất là đối với các nước lớn, các nước láng giềng, các đối tác quan trọng… Đặc biệt là đã cùng với quốc phòng-an ninh xử lý kịp thời và đúng đắn các tình huống phức tạp, đột xuất, góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị-xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và quốc tế.
Phóng viên: Năm 2015 sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và đất nước ta. Thưa đồng chí Tổng Bí thư, để Đại hội Đảng bộ các cấp thật sự đổi mới, thành công, chúng ta cần tập trung tốt những công việc gì?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, với yêu cầu là phải đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ cương của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng. Để đạt yêu cầu đó, trước hết các cấp ủy cần chuẩn bị thật chu đáo, kỹ lưỡng các văn kiện mà trọng tâm là Báo cáo Chính trị trình bày tại đại hội. Qua đó, phân tích thấu đáo kết quả đạt được, chỉ rõ những việc chưa làm được, việc đang làm nhưng còn vướng mắc, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới. Chú trọng phân tích năng lực xây dựng nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết, trả lời cho được tại sao đây vẫn là khâu yếu của nhiều năm qua; tại sao nhiều nghị quyết chậm đi vào cuộc sống; nghị quyết đã sát thực tế chưa; việc tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy như thế nào, có gắn với kiểm tra tổ chức thực hiện không? Phải đánh giá đúng thực trạng, xu hướng diễn biến sắp tới trên thế giới, trong nước, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo, khắc phục tư tưởng cục bộ, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm.
Cùng với đó, phải hết sức coi trọng công tác nhân sự cấp ủy. Việc chuẩn bị giới thiệu nhân sự để đại hội lựa chọn bầu vào cấp ủy cần tiến hành đúng nguyên tắc, quy định, quy trình về công tác cán bộ. Lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy phải thật sự là người tiêu biểu về trí tuệ, trong sáng về phẩm chất đạo đức, có năng lực thực tiễn và tốt nhất là đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt của cấp dưới. Không cơ cấu vào cấp ủy những người không thật sự vì dân, vì Đảng, không gương mẫu chấp hành Điều lệ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm. Trên cơ sở lấy chất lượng làm chính, phấn đấu bảo đảm có cơ cấu tỷ lệ hợp lý về ba độ tuổi, cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số.
Trong quá trình chuẩn bị văn kiện đại hội, cần mở rộng dân chủ để Tổ chức Đảng cấp dưới, cán bộ, đảng viên, cán bộ lão thành, các nhà khoa học… tham gia đóng góp ý kiến. Công tác nhân sự cần mở rộng các kênh thông tin, nắm bắt dư luận, thảo luận dân chủ, công tâm, khách quan, tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Trung ương. Việc chuẩn bị đại hội và tổ chức đại hội cần gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực mới, cách làm mới, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, các mặt công tác của địa phương, đơn vị; đặc biệt, đây là dịp tốt để làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Phóng viên: Đón Xuân mới năm nay đúng vào dịp kỷ niệm Đảng ta tròn 85 tuổi. Thưa Tổng Bí thư, đồng chí có cảm nhận như thế nào về việc giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống quý báu của Đảng ta?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; là chỗ dựa, là niềm tin và tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta. Có Đảng lãnh đạo, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được nhân lên gấp bội, là nhân tố hàng đầu tạo nên những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và ngày nay đang tiến hành thành công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong gian khó càng nhận thấy sâu sắc hơn, Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Vững niềm tin vào Đảng, khó khăn nào chúng ta cũng vượt qua. Từ trước đến nay và từ nay mãi mãi về sau, Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc; Đảng không có mục tiêu nào khác, ngoài mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tự hào về Đảng bao nhiêu, trước yêu cầu mới, chúng ta càng suy nghĩ về Đảng bấy nhiêu. Nếu trước đây, cả dân tộc triệu người như một, toàn tâm, toàn ý, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đi theo Đảng, thì ngày nay, niềm tin, ý chí ấy đang có biểu hiện mai một. Có rất nhiều lý do như sự xuyên tạc bôi nhọ, lôi kéo của các thế lực thù địch; âm mưu làm chuyển hóa, “tự diễn biến”, nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Đó là một trong những nguy cơ, nhưng nguy cơ đáng lo ngại nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập sâu vào thế giới, không ít cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền không chịu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức của người đảng viên cộng sản, thậm chí bị tha hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng. Bản chất của Đảng không bao giờ thay đổi, nhưng người dân nhìn vào một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất như thế thì thiếu niềm tin vào Đảng.
Để giữ vững bản chất tốt đẹp và truyền thống quý báu của mình, không ai khác, chính bản thân Đảng mà cụ thể là từng tổ chức đảng, từng cán bộ đảng, đảng viên phải tự hóa giải nguy cơ này. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân, tự giác soi xét lại mình, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn bản chất tốt đẹp và phát huy truyền thống tốt đẹp và phát huy truyền thống quý báu của Đảng. Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Lúc này, chúng ta càng thấm thía lời căn dặn của Bác Hồ: Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do các đảng viên đều tốt.
Phóng viên: Nhân dịp năm mới, xin Tổng Bí thư có đôi điều gửi gắm đến đồng bào, đồng chí cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xuân mới Ất Mùi đã về với bao niềm vui mới trên đất nước ta, nhưng cũng có biết bao công việc khó khăn, phức tạp đang chờ đón chúng ta. Tôi mong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước đi lên trong thời kỳ phát triển mới. Chúc đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài vững niềm tin vào Đảng, vui Xuân mới với khí thế mới, quyết tâm mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kính chúc đồng chí và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, đón năm mới với niềm tin mới, thắng lợi mới.
Theo Báo Nhân Dân