Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 31-1

* Sự kiện:

- Ngày 31-1-1957 (tức Mùng 1 Tết Định Dậu): Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư chúc Tết đồng bào cả nước và kiều bào ta ở ngoài nước, toàn thể cán bộ, bộ đội và công an, các cụ phụ lão, thanh niên và nhi đồng. Người khẳng định rõ những thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, giữ vững trật tự trị an và củng cố quốc phòng… là nhờ sự cố gắng của toàn thể nhân dân ta, sự giúp đỡ của các nước anh em và chỉ ra nhiệm vụ của nhân dân ta trong năm mới. Người chỉ rõ, sang năm mới, “khẩu hiệu của chúng ta về kinh tế là: Tăng gia sản xuất, Thực hành tiết kiệm, Nâng cao ý thức tự lực cánh sinh, Nhằm cải thiện dần mức sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta. Về chính trị là: Thực hiện đúng Cương lĩnh của mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn kết toàn dân, củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam, đòi thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, ra sức đấu tranh cho sự nghiệp thiêng liêng thống nhất nước nhà.”

- Ngày 31-1-1964: Bộ Chính trị họp bàn về cuộc vận động “Ba xây, ba chống” Ba xây gồm có: Nâng cao ý thức trách nhiệm - Tăng cường quản lý kinh tế tài chính - Cải tiến kỹ thuật. Ba chống gồm có: Chống tham ô - Chống lãng phí - Chống quan liêu. Tại cuộc họp, Bác Hồ phát biểu: “Tại sao dưới động, trên không động, nhỏ động, lớn không động?”. Người đề nghị phải làm cho cấp bộ trưởng, thứ trưởng thông suốt tư tưởng. Bởi lãnh đạo còn có người cho "Ba xây, Ba chống" chỉ cấp dưới mới học lại có lãnh đạo để xảy ra tham nhũng, lãng phí tìm mọi cách né tránh. Người yêu cầu phát hành loại sách nhỏ, bài ngắn để tuyên truyền giải thích, lôi cuốn nhân dân tham gia vào cuộc vận động.

- Ngày 31-1 đến 4-2-1977: Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ nhất. Đại hội nhất trí hợp nhất ba tổ chức mặt trận ở hai miền thành một mặt trận dân tộc duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 7 kỳ Đại hội. Từ Hội phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận, đến nay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trải qua hơn 80 năm xây dựng và phát triển cùng với những chặng đường lịch sử vẻ vang của Cách mạng Việt Nam.Ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cách mạnh, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam có những hình thức, tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ nhưng đều nhằm mục đích xây dựng, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, tạo thành sức mạnh để hoàn thành những mục tiêu cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo thực hiện.

- Ngày 31-1-2004: Thực hiện thành công ca ghép gan trên người đầu tiên ở Việt Nam. Bệnh nhân là cháu Nguyễn Thị Diệp (9 tuổi), quê xã Hải Minh, huyện Hải Hậu (Nam Định), bị bệnh teo đường mật bẩm sinh. Người cho gan là anh Nguyễn Quốc Phòng (bố đẻ của cháu Diệp). Giáo sư, tiến sĩ Phạm Gia Khánh, Giám đốc Học viện Quân y, làm Chủ tịch Hội đồng phẫu thuật.Ca phẫu thuật được tiến hành dưới sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của 5 giáo sư, chuyên gia Trường đại học tổng hợp Tokyo (Nhật Bản) cùng 120 giáo sư, bác sĩ và nhân viên y tế Học viện Quân y, Bệnh viện Nhi Trung ương.

- Ngày 31-1-2013: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2631/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu của đề án là xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, góp phần tích cực đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

* Nhân vật:

- Ngày 31-1-1968: Ngày mất của nữ chiến sĩ cách mạng Lê Thị Riêng. Lê Thị Riêng sinh năm 1925, quê ở Bạc Liêu. Bà tham gia cách mạng từ năm 20 tuổi. Năm 1960, bà được bầu làm Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và là Phó Hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam. Tháng 5-1967, bà bị địch bắt trong một chuyến công tác. Ngày 31-1-1968, địch đã giết hại bà trên phố Hồng Bàng, Sài Gòn. Hiện nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh có một con phố mang tên Lê Thị Riêng.

Theo TTXVN