Dưới cái nắng hanh vàng của ngày đầu tháng Chạp, chúng tôi về thôn An Thạnh 1, xã An Hải, nơi có làng nghề bánh tráng truyền thống trên 100 năm nay. Theo trưởng thôn Võ Minh Tuyền, toàn thôn hiện còn 30 hộ duy trì nghề truyền thống làm bánh tráng, coi đây là nghề chính kiếm sống quanh năm. Đi trên đường làng, dễ dàng cảm nhận mùi ấm nồng của trấu om, mùi thơm của bánh gạo mới ra lò hay bắt gặp hai bên đường những phên tre phơi đầy bánh tráng.
Các hộ dân huyện Ninh Phước sản xuất bánh tráng phục vụ Tết.
Trải qua bao thăng trầm cùng làng nghề, bà Huỳnh Thị Lợi, một thợ làm bánh có thâm niên 35 năm chia sẻ: Nghề làm bánh tráng ở làng An Thạnh là nghề “cha truyền, con nối”, tôi được cha mẹ truyền dạy cho cách làm bánh từ lúc mới hơn 10 tuổi. Ngày nay làm bánh tráng theo phương pháp thủ công chỉ lấy công làm lời, so với nhiều ngành nghề khác thì thu nhập không bằng, thế nhưng những người làm bánh như bà Lợi vẫn cảm thấy say mê, gắn bó như duyên nợ với nghề. Hằng ngày, bà và con gái bắt đầu công việc từ 4 giờ sáng và làm miết cho tới chiều. Mỗi người một việc chẳng mấy lúc ngơi tay, từ ngâm gạo, xay bột, trộn mè, cho đến đốt lò, tráng bánh và trải bánh ra phơi. Điều thú vị là bánh tráng ở làng An Thạnh chỉ chọn nguyên liệu từ gạo hột tròn nên bột khi xay thường có màu trắng tinh, sánh mịn và quyện mùi thơm nức. Tận mắt chứng kiến công đoạn tráng bánh bên bếp lửa hồng, chúng tôi càng hiểu hơn về đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây. Bước vào mùa bánh Tết, bà Lợi cũng phải tăng “công suất” làm bánh lên 20 kg gạo/ ngày, nhiều hơn hẳn so với ngày thường. Mỗi ngày, mẹ con bà làm được khoảng 120 xấp, chủ yếu là bánh cuốn chả loại mỏng, chuyên cung ứng cho các thương lái ở chợ Phan Rang. Tuỳ theo kích cỡ, chủng loại bánh nhúng hay bánh nướng, bánh tráng có giá bán 7.000 đồng/ xấp mỏng (13 chiếc/ xấp), 20.000 đồng/ xấp dày (14 chiếc/ xấp), nếu trừ chi phí thì người làm bánh ở An Thạnh thu nhập 100.000 – 150.000 đồng/ ngày.
Cũng từ tháng 11 âm lịch, không khí sản xuất bánh tráng vụ Tết càng trở nên nhộn nhịp ở lò bánh Đăng Thiên (thôn Ninh Quý 3, xã Phước Sơn). Trong khi những phụ nữ tập trung ngồi lựa bánh, sắp xếp phân loại để đóng gói thì nhóm thanh niên khẩn trương vận chuyển các thùng bánh lên xe để kịp giao hàng. Gần 4 năm hoạt động, lò bánh hiện có 20 công nhân là lao động địa phương, công suất chế biến đạt 3 – 4,5 tạ gạo nguyên liệu mỗi ngày. Nhờ áp dụng máy móc vào các khâu chế biến, lò bánh Đăng Thiên sản xuất lượng hàng tương đối lớn cung cấp cho thị trường nội tỉnh. Chị Phạm Thị Bích Dung, một người làm ở đây cho biết: Nhờ công việc thường xuyên từ nghề làm bánh tráng, mỗi lao động có thu nhập ổn định 3 – 4,5 triệu đồng/ tháng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, tại thị trấn Phước Dân có tới 30 hộ làm bánh tráng, tập trung nhiều nhất các khu phố ở Phú Quý, Bình Quý. Còn về các làng quê trong những ngày này, nơi nào cũng lác đác vài ba lò bánh tráng nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.
Nghề làm bánh tráng không chỉ là nghề kiếm sống của một bộ phận người lao động mà còn lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của làng nghề. Mang theo hương vị hạt gạo quê hương, bánh tráng đang về với mọi nhà để làm nên những món ngon không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Trang Nhung