Phát triển Đảng phải làm tăng thêm sinh lực cho Đảng

Phát triển Đảng, bổ sung những quần chúng ưu tú trong các tầng lớp dân cư vào đội ngũ của mình luôn được Đảng ta xác định là một nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho Đảng không ngừng phát triển, có sức sống mãnh liệt của đội tiền phong chiến đấu, đủ sức hoàn thành sứ mệnh lịch sử được giao.

Chất lượng công tác phát triển Đảng được đánh giá thông qua kết quả các mặt, các khâu, các bước và giải quyết mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng. Chất lượng công tác phát triển Đảng tốt khi các tổ chức Đảng nắm vững và vận dụng đúng đắn các quan điểm, nguyên tắc, phương châm, phương hướng, quy định của Đảng về công tác phát triển Đảng; thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, có hiệu quả các khâu, các bước, đồng thời giải quyết tốt các mối quan hệ: Số lượng với chất lượng; kết nạp với củng cố; kết nạp với giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên; kết nạp với sàng lọc đảng viên.

85 năm qua, trong những điều kiện hoàn cảnh khác nhau, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cấp ủy và các tổ chức Đảng các cấp thường xuyên coi trọng và làm tốt công tác phát triển Đảng, đã kết nạp hàng triệu quần chúng ưu tú, có chất lượng trong các tầng lớp dân cư vào Đảng, kịp thời bổ sung cho Đảng nguồn sinh lực mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác phát triển Đảng ở một số tổ chức cơ sở Đảng, nhất là các tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các tổ chức xã hội ngoài công lập... còn gặp nhiều khó khăn; chất lượng đội ngũ đảng viên mới còn có những hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, năng lực chuyên môn, nhận thức về mục tiêu, lý tưởng của Đảng...

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh minh họa:na.gov.vn.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên phấn đấu để trở thành đảng viên của Đảng chưa thực sự tạo ra khí thế mạnh mẽ như những năm trước đây, trong khi các thế lực thù địch ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, tạo ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng bằng những phương thức và các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Tình hình đó tác động không nhỏ đến phương hướng, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có công tác phát triển Đảng. Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, công tác phát triển Đảng cần được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng.

Phương châm, phương hướng trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về công tác phát triển Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Công tác phát triển Đảng phải làm tăng thêm sinh lực cho Đảng, trẻ hóa đội ngũ, bảo đảm sự kế thừa và phát triển của Đảng. Làm tốt công tác tạo nguồn để lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp những người ưu tú, có đủ tiêu chuẩn trong đoàn viên thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức, chiến sĩ các LLVT...; chú ý các cơ sở trọng yếu, những nơi còn ít và chưa có đảng viên. Coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc, đồng thời không định kiến hẹp hòi”(1).

Phát triển Đảng luôn được Đảng ta xác định là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong thời kỳ mới, quán triệt và thực hiện tốt các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng, các cấp ủy và tổ chức Đảng cần tập trung thực hiện tốt một số yêu cầu và nội dung cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác phát triển Đảng. Thực tế những năm qua, không ít cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ về công tác phát triển Đảng; chưa quan tâm, chú trọng công tác này, hoặc tiến hành không đúng phương châm, phương hướng; còn đơn giản, tùy tiện về quy trình, thủ tục kết nạp Đảng.

Trong thời kỳ mới, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải có nhận thức đúng; nắm vững phương châm, quan điểm và quy trình phát triển Đảng cũng như các nội dung mới về tiêu chuẩn đảng viên trong thời kỳ mới; khắc phục tình trạng một số cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp tiến hành công tác phát triển Đảng theo ý muốn chủ quan, phiến diện; quy trình, thủ tục còn tùy tiện, đơn giản.

Hai là, chủ động làm tốt công tác phát hiện, tạo nguồn phát triển Đảng. Đây là khâu đầu tiên trong quy trình phát triển Đảng, là một giải pháp quan trọng mà trong những năm qua, không ít cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp còn bộc lộ bất cập, lúng túng, bị động. Một quần chúng tốt, có động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn, nếu không được sự quan tâm của cấp ủy, tổ chức Đảng đưa vào nguồn bồi dưỡng, rèn luyện để kết nạp Đảng thì ý chí, động cơ phấn đấu của họ sẽ bị mai một, thậm chí họ không có cơ hội để đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Công tác tạo nguồn của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải bắt đầu từ việc xác định kế hoạch, lựa chọn đúng đối tượng đưa vào nguồn. Căn cứ yêu cầu lãnh đạo nhiệm vụ của mỗi tổ chức Đảng, hằng năm, cấp ủy phải xác định rõ kế hoạch phát triển Đảng, lựa chọn đối tượng để đưa vào nguồn bồi dưỡng, thử thách. Yêu cầu sự lựa chọn này phải chính xác, mang tính toàn diện cả về cơ cấu thành phần, lai lịch chính trị, động cơ phấn đấu; chống quan điểm lựa chọn theo chủ quan cá nhân, hoặc làm cho xong kế hoạch. Lựa chọn đúng đồng thời phải làm tốt các bước tiếp theo: Bồi dưỡng nhận thức về Đảng, giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, giao nhiệm vụ, thử thách, định hướng hoạt động thực tiễn…, để quần chúng đó luôn xác định đúng đắn động cơ phấn đấu vào Đảng, quá trình phấn đấu rèn luyện diễn ra bền bỉ, vững vàng. Khi quần chúng đã có nhận thức tốt, có quá trình phấn đấu đạt đủ tiêu chuẩn của người đảng viên theo quy định thì cấp ủy và tổ chức Đảng phải chủ động có kế hoạch kết nạp quần chúng vào Đảng. Làm tốt khâu này trong quy trình phát triển Đảng sẽ góp phần khắc phục tư tưởng bè phái, cục bộ địa phương, chủ quan, đồng thời ngăn chặn những người cơ hội, thực dụng vào Đảng.

Ba là, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình phát triển Đảng. Những năm qua, một số cấp ủy, tổ chức Đảng không thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục, hướng dẫn về công tác phát triển đảng viên, dẫn đến chất lượng công tác phát triển Đảng chưa cao, đảng viên sau khi được kết nạp chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định; một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng trong công tác phát triển Đảng, dẫn đến mâu thuẫn giữa số lượng đảng viên với chất lượng lãnh đạo của tổ chức Đảng.

Để thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình, thủ tục, hướng dẫn về công tác phát triển Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng cấp trên và cơ quan tổ chức Đảng các cấp cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cụ thể cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan tổ chức cấp dưới trong công tác phát triển Đảng. Quy trình, thủ tục phát triển Đảng được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, ngăn chặn những phần tử cơ hội vào hàng ngũ của Đảng. Cấp ủy và cơ quan tổ chức Đảng cấp trên cần thường xuyên, tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện quy trình, thủ tục phát triển Đảng, kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện chưa tốt.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp đảng viên với giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện và sàng lọc đảng viên. Phát triển Đảng phải đi đôi với củng cố Đảng, tăng cường bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đảng viên mới kết nạp, đưa ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội có hại đối với sự lãnh đạo của Đảng, làm cho tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, tạo niềm tin của mỗi đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

“... Đảng ta phải rất mạnh, phải phát triển không ngừng, nhưng phải nhiều về số lượng đồng thời phải có chất lượng tốt mới làm tròn được nhiệm vụ lãnh đạo” (Hồ Chí Minh).

Đảng viên mới được kết nạp cần tiếp tục được giáo dục, rèn luyện thử thách, qua đó để tôi luyện và tự khẳng định mình. Thực tế những năm qua, có không ít quần chúng sau khi được kết nạp Đảng bắt đầu xuất hiện tư tưởng thỏa mãn, dừng lại, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng... Đây là một nguyên nhân làm cho một số tổ chức Đảng có số lượng đảng viên đông nhưng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu không cao.

Bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đảng viên mới là một khâu quan trọng trong quy trình phát triển Đảng. Cấp ủy, tổ chức Đảng phải có kế hoạch tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện và thử thách đảng viên; tin tưởng, mạnh dạn giao cho họ những nhiệm vụ nặng nề hơn, yêu cầu đòi hỏi cao hơn, qua đó để rèn luyện, thử thách đảng viên, để đảng viên tự vươn lên, tự khẳng định mình đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn người đảng viên như Điều lệ Đảng quy định.

Cùng với kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần làm tốt việc sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội, những đảng viên thoái hóa, biến chất, không đủ tiêu chuẩn, làm trong sạch nội bộ Đảng, tạo niềm tin của toàn xã hội đối với Đảng, bảo đảm cho sự phát triển vững chắc của Đảng. Trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, một số đảng viên đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tha hóa, biến chất. Do vậy, nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng phải đi liền với sàng lọc đảng viên, xây dựng nội bộ Đảng thực sự trong sạch, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong công tác phát triển Đảng. Phát triển Đảng là nhiệm vụ của cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp. Tuy nhiên, để công tác này thực sự có chất lượng, đạt mục tiêu đặt ra, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải biết khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong xã hội, trước hết là các tổ chức quần chúng: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tổ chức công đoàn. Đây là các tổ chức mà trước khi vào Đảng, quần chúng đã trực tiếp tham gia hoạt động. Các tổ chức đó đã rèn luyện, bồi dưỡng thành viên của mình và giới thiệu với cấp ủy, tổ chức Đảng. Với vai trò lãnh đạo của mình, cấp ủy, tổ chức Đảng phải thường xuyên chỉ đạo, định hướng các tổ chức quần chúng thực hiện tốt công tác phát triển Đảng thông qua nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch và chương trình hành động. Các cấp ủy Đảng cần động viên, khơi dậy sự quan tâm xây dựng Đảng của các tầng lớp dân cư trong xã hội; tham gia giám sát quá trình phấn đấu rèn luyện của quần chúng và đảng viên tại cơ quan, đơn vị, địa phương…

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII).

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân