Nhân dịp kỷ niệm 85 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2015), ông Trần Hậu và ông Trần Đình Phùng (đều là nguyên Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với PV Cổng TTĐT Chính phủ về mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Ông Trần Hậu. Ảnh: VGP/Kim Ngân
Sự hài lòng của nhân dân-thước đo của thái độ tận tụy làm việc vì dân
Theo ông Trần Hậu, quan điểm, cơ sở lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng của giai cấp công nhân; về mối quan hệ mật thiết của Đảng cầm quyền với nhân dân; bài học luôn “Lấy dân làm gốc”… là những sáng tạo lý luận và thực tiễn do Bác đúc kết. Những bài học lớn này có giá trị không chỉ ở thời điểm những năm 30 của thế kỷ XX, mà vẫn giữ nguyên giá trị cho tới ngày nay.
Ở thời điểm hiện nay, khi tình hình thế giới trên các lĩnh vực đời sống, ở mọi khu vực, quốc gia càng trở nên phức tạp. Cuộc sống nội tại ở Việt Nam cũng đặt ra ngày càng nhiều vấn đề phải giải quyết. Trong hoàn cảnh đó, ta càng thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Đảng với Dân.
Đảng với vai trò là lãnh đạo, là đại diện cho giai cấp tiên phong, nhưng Đảng nằm trong lòng dân tộc, Đảng phải hòa mình cùng dân tộc, khẳng định sự lãnh đạo của mình. Đảng được nhân dân ủng hộ bằng hành động tích cực, gương mẫu, sự thấu hiểu và lòng trung thành với dân, với nước và bằng sự đúng đắn về chính sách chứ không phải bằng áp đặt, mệnh lệnh.
Muốn Đảng trong sạch, vững mạnh thì những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng phải được áp dụng một cách đúng đắn, có tính tới những đặc thù dân tộc và tình hình thế giới và chỉ có thể phát huy tác dụng bằng nhân tố con người. Đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng cần gắn trách nhiệm của các tổ chức Đảng, các cá nhân lãnh đạo và các đảng viên trong triển khai thực hiên các chủ trương, chính sách xuống tận cơ sở.
Cần nói thêm là nguyên tắc tập trung, dân chủ sẽ bị vô hiệu hoá nếu bị biến tướng, giải quyết tiêu cực, tham nhũng… bằng sự quan liêu, áp đặt thiếu khách quan và vì “lợi ích nhóm”. Các vấn đề nổi cộm, bức xức trong nhân dân nếu chỉ làm một cách hình thức và không triệt để sẽ là môi trường tốt để những con sâu, mọt gặm nhấm phá hoại từ bên trong, làm dần mất đi niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân với Đảng. Niềm tin rất khó lấy lại, mất niềm tin cũng có nghĩa là tạo cơ hội cho các thế lực phản động làm rối loạn xã hội.
MTTQ là tổ chức của dân, do Đảng lãnh đạo. Vai trò của MTTQ phải được tăng cường để củng cố ảnh hưởng của Đảng và thắt chặt hơn mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ban Thường trực MTTQ VN đã đề ra phương hướng hành động trong thời gian tới: Tăng cường xuống cơ sở, tổ chức đối thoại, tiếp thu ý kiến, giải quyết những khó khăn vướng mắc của nhân dân. Làm tốt công tác vận động nhân dân, tạo mọi cơ chế thuận lợi để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Sự hài lòng của nhân dân sẽ làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy và trách nhiệm quản lý của chính quyền, coi đây là một kênh quan trọng để xây dựng, củng cố bộ máy lãnh đạo.
Ông Trần Đình Phùng. Ảnh: VGP/Kim Ngân
Chủ động cung cấp thông tin cho nhân dân
Ở một khía cạnh khác, ông Trần Đình Phùng cho rằng thời đại ngày nay là thời đại của giao lưu và hội nhập quốc tế, kỷ nguyên của thông tin và khoa học công nghệ. Thế giới biến động cũng ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nội tại xã hội Việt Nam cũng đang phát triển, có những thay đổi cùng với những yếu tố mới về tự nhiên, con người. Việc bùng nổ thông tin trong thời đại thông tin là tất yếu, không thể bưng bít, che đậy thông tin được.
Đảng, Nhà nước phải có chính sách dài hơi, chủ động tuyên truyền, cung cấp, minh bạch thông tin cho người dân, lấy thông tin tích cực đánh bật thông tin tiêu cực. Đặc biệt với các vấn đề nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, chủ quyền quốc gia… nhu cầu được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác của người dân là rất lớn, là hợp với Hiến pháp và pháp luật.
Nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải được xác định rõ hơn từ cấp Trung ương và địa phương, cơ sở, nhất là trong hoạt động của MTTQ VN. Từ đó mới từng bước hình thành cơ chế phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức thành viên, các lực lượng xã hội triển khai các nhiệm vụ giám sát những vấn đề quan trọng, cấp thiết trong đời sống nhân dân.
Tại Hội nghị MTTQ VN lần thứ 2, khoá VIII mới đây, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng nhận định một số hạn chế, tồn tại: Nội dung, phương thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân chưa được đổi mới mạnh mẽ; thông tin, tuyên truyền trong nhân dân chưa đầy đủ; chưa kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân; các cuộc vận động, phong trào thi đua có nơi còn hình thức, kém hiệu quả; việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhất là công tác giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính chưa thực sự nền nếp, chưa đồng bộ…
UBTW MTTQ VN đã đề ra nhiệm vụ đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, tránh hành chính hoá. Phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ chung. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng và Nhà nước làm tốt nhiệm vụ đối ngoại nhân dân, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với các nước trên toàn thế giới, nhất là các nước có chung đường biên giới với nước ta.
Nguồn chinhphu.vn