|
Đại tá Trần Văn Thành Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh. |
Phóng viên: Đồng chí cho biết công tác phòng chống cháy nổ thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta như thế nào?
- Đại tá Trần Văn Thành: Năm 2014, lực lượng Cảnh sát PCCC đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Các đơn vị đã tổ chức tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, 100% các đơn vị duy trì tốt chế độ trực 24/24 giờ. Khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC đều đã có mặt kịp thời để tổ chức chữa cháy đạt được yêu cầu đề ra… Năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ cháy, thiệt hại gần 2,5 tỷ đồng, nguyên nhân cháy 70% là do hệ thống điện và sử dụng thiết bị điện trong các hộ gia đình.
Tuy nhiên công tác PCCC vẫn còn những hạn chế như việc thực hiện có nơi còn mang tính hình thức, đối phó, chưa tự tổ chức kiểm tra của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp theo quy định của Luật PCCC, thực hiện khắc phục các tồn tại, thiếu sót qua kiểm tra còn chậm…Công tác tổ chức thường trực bảo vệ, PCCC chưa đảm bảo nhất là ban đêm, ngoài giờ hành chính. Do vậy mà các nguy cơ gây cháy, nổ còn tiềm ẩn, khi cháy chậm được phát hiện và xử lý sẽ dẫn đến cháy lớn.
Phóng viên: Hiện nay, tỉnh ta đã bước vào mùa khô và là thời điểm gần tới Tết Nguyên đán Ất Mùi, nguy cơ cháy nổ vẫn nhiều tiềm ẩn. Vậy công tác phòng chống cháy nổ được triển khai ra sao?
- Đại tá Trần Văn Thành: Mùa khô và dịp Tết Nguyên đán là thời kỳ cao điểm về PCCC vì độ ẩm trong không khí rất thấp, vật liệu khô nỏ, rất dễ bắt cháy. Đây cũng là dịp các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu... phục vụ Tết. Nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao. Việc tăng ca, tăng thiết bị sản xuất trong khi hệ thống điện không thay đổi dẫn đến quá tải, chập mạch gây cháy. Tại các chợ, lượng người tham gia giao thương rất lớn, làm tăng nguy cơ cháy nổ. Việc sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp Tết tại các gia đình cũng tăng cao so với thời gian trước. Đây chính là những yếu tố tiềm ẩn cháy nổ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Để chủ động phòng ngừa cháy trong mùa hanh khô và dịp Tết, tôi đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, các hộ gia đình và mỗi người dân lưu tâm:
Các cấp, các ngành, các cơ sở phải triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức nhằm trang bị kiến thức PCCC cho CBCNV và nhân dân qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong phòng ngừa cháy nổ tại nơi làm việc, hộ gia đình, nơi kinh doanh...
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp với các ngành liên quan tập trung kiểm tra PCCC khu dân cư, chung cư, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, cơ sở sản xuất xen lẫn khu dân cư, các chợ, trung tâm thương mại, đồng thời người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp phải thực hiện thường xuyên chế độ tự kiểm tra tại đơn vị mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh khắc phục ngay các sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến cháy nổ. Tăng cường xử lý trách nhiệm và những hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân không chấp hành và để xảy ra cháy.
Các cơ sở phải xây dựng và củng cố lực lượng PCCC&CNCH tại chỗ đủ mạnh về con người, phương tiện chữa cháy, chuẩn bị tốt phương án chữa cháy, phương án CNCH, được tập huấn kiến thức nghiệp vụ PCCC để lực lượng này đủ khả năng xử lý tình huống khi cháy nổ, tình huống CNCH tại cơ sở địa bàn dân cư, từ đó hạn chế cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Phóng viên: Để công tác phòng chống cháy nổ tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, đồng chí có khuyến cáo gì đối với người dân?.
- Đại tá Trần Văn Thành: Thời gian qua, có đến 70% số vụ cháy xảy ra tại nhà ở và hộ gia đình hoặc nhà ở kết hợp dùng làm nơi sản xuất kinh doanh. Vì vậy để đảm bảo an toàn PCCC, bảo vệ tốt tính mạng tài sản, mọi người cần thực hiện các biện pháp sau: Đối với các hộ gia đình hãy cẩn thận trong việc sử dụng lửa, sử dụng bếp gas, thắp nhang thờ cúng, đốt vàng mã, khi thực hiện phải có người trông coi và được che chắn cách xa vật dễ cháy. Sử dụng điện và thiết bị điện phải đảm bảo là hệ thống điện trong gia đình chắc chắn an toàn, đầy đủ thiết bị bảo vệ (cầu chì, atomat), nếu hư hỏng phải thay thế, sửa chữa ngay. Khi trong nhà có mùi khí gas tuyệt đối không bật, tắt các thiết bị điện, không sử dụng các vật có sinh lửa, sinh nhiệt để tránh gây cháy nổ, mở hết các cửa thông gió, gọi đến nơi cung cấp để xử lý.
Đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh thì hàng hóa phải xếp gọn gàng, không được để sát dây dẫn, bảng điện, thiết bị trang trí, quảng cáo phải được kiểm tra thường xuyên để tránh hư hỏng, chạm chập gây cháy và cháy lan vào nhà, vào hàng hóa. Không xếp đặt hàng hóa, vật dễ cháy khác tại cầu thang, cửa ra vào (cửa chính, của phòng ngủ) để đảm bảo có thể thoát nạn an toàn khi cháy xảy ra.
Mỗi gia đình phải chuẩn bị lối thoát nạn thứ 2, phương tiện phá dỡ, thông báo mọi người biết vị trí để chủ động thoát ra ngoài. Chuẩn bị phương tiện chữa cháy như bình chữa cháy xách tay, nước... để chữa cháy khi có sự cố ngay từ đầu. Các gia đình có điều kiện trang bị thêm đầu báo cháy để cảnh báo. Khi có cháy kịp thời thông báo đến Cảnh sát PCCC số máy 114; chính quyền và Công an nơi gần nhất để huy động lực lượng để chữa cháy, cứu nạn.
Mỗi người trong gia đình và cộng đồng dân cư cần chủ động tìm hiểu, học tập nhằm trang bị kiến thức PCCC để phòng ngừa, loại trừ các sơ xuất bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh hàng ngày để không xảy ra cháy nổ.
Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí!
Xuân Bính (thực hiện)