Thủ tướng phân công soạn thảo 43 văn bản quy định chi tiết thi hành 15 luật
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII và Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.
Theo Danh mục, tổng cộng có 40 Nghị định của Chính phủ và 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được ban hành để quy định chi tiết thi hành 15 luật có hiệu lực thi hành trong năm 2015, năm 2016, bao gồm: Luật hộ tịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật nhà ở; Luật kinh doanh bất động sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật đầu tư; Luật doanh nghiệp; Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Luật căn cước công dân; Luật công an nhân dân; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.
Trong đó, có nhiều Nghị định đáng chú ý sẽ được xây dựng, ban hành như: Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định về công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; Nghị định quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bất động sản; Nghị định về an ninh hàng không dân dụng; Nghị định quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ...
Theo quy định, Bộ trưởng các Bộ chủ trì soạn thảo phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên, tập trung bố trí đủ nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ quan chủ trì soạn thảo có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp tăng thêm 8%
Chính phủ vừa ban hành Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.
Theo đó, từ ngày 1/1/2015 sẽ tăng thêm 8% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng sau:
1- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
2 - Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 9/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
3- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
4- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111 - HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
5- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
6- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
7- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng áp dụng đối với các đối tượng trên do ngân sách Nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2015.
Trước đó, ngày 10/11/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 78/2014/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó đã quyết định thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện quy định này là từ ngày 1/1/2015.
Xây dựng Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển KTXH mạnh vùng ĐBSCL
Đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Tiền Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển kinh tế - xã hội mạnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là một cực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một đầu mối phát triển dịch vụ vận tải, du lịch của Vùng ĐBSCL.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh Tiền Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 9-10%/năm. Thu nhập bình quân đầu người (giá thực tế) năm 2020 đạt khoảng 74-78 triệu đồng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% vào năm 2020, bình quân mỗi năm giảm khoảng 0,5%.
Hình thành 5 đột phá chiến lược
Theo Quyết định, Tiền Giang tiếp tục hình thành 5 đột phá chiến lược. Cụ thể, hình thành các cực tăng trưởng, vùng trọng điểm: Xây dựng các khu công nghiệp (KCN) tập trung ở các khu vực Đông Nam Tân Phước, Gò Công; khu vực phát triển công nghiệp xay xát lúa gạo, chế biến hàng nông sản ở khu vực Cái Bè – Cai Lậy... gắn với hệ thống các KCN tập trung của Vùng KTTĐ phía Nam và đầu tư phát triển có hiệu quả các cụm công nghiệp, góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động. Đây là bước đột phá quan trọng đối với phát triển KT-XH tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và từng bước hiện đại ở cả đô thị và nông thôn: Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư; nâng cấp hệ thống giao thông bao gồm cả đường bộ và đường thủy và mạng lưới giao thông nông thôn; hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc; hoàn chỉnh mạng cấp điện và cấp thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu của một trung tâm kinh tế cấp vùng.
Tiền Giang cũng sẽ tập trung đầu tư để hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong những ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh (nhất là sản phẩm nông nghiệp, du lịch) nhằm tạo ra thế và lực cho sự phát triển lâu dài của tỉnh. Hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng, đặc biệt là vành đai lương thực, thực phẩm, rau quả hàng hóa cho Vùng KTTĐ phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh; nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch và an toàn... làm hạt nhân lan tỏa trong vùng Bắc sông Tiền về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi và các điểm dân cư nông thôn nhằm tạo ra một bức tranh phân bố dân cư mới. Cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng TP Mỹ Tho cho tương xứng với đô thị loại I - trung tâm KT-XH của vùng Bắc Sông Tiền; chỉnh trang, nâng cấp, phát triển thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy đạt đô thị loại III, các thị trấn; hình thành các khu dân cư, khu đô thị - dịch vụ mới gắn với các KCN tập trung ở khu vực Đông Nam Tân Phước, Gò Công; xây dựng hoàn chỉnh các cụm, tuyến dân cư trong vùng lũ.
Một đột phá chiến lược nữa của Tiền Giang là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển các cơ sở đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cho tỉnh và một số địa phương khác.
Lộ trình di dời các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Phạm vi áp dụng đối với các cơ sở cần phải di dời trong khu vực nội thành Hà Nội, bao gồm các quận: Ba Đình, Hoàn kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm ở nội thành Hà Nội trong danh mục cần phải di dời ra ngoài nội thành.
Lộ trình và biện pháp di dời cụ thể được xác định phù hợp với điều kiện, địa điểm cụ thể và đặc điểm của từng cơ sở cần phải di dời, đảm bảo tính khả thi. Quá trình thực hiện di dời phải hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến hoạt động của các đối tượng, không ảnh hưởng tới môi trường đô thị và hoạt động xã hội của nhân dân.
UBND thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh vùng Thủ đô có liên quan chuẩn bị quỹ đất xây dựng nơi được di dời đến phải phù hợp với vị trí, quy mô, chức năng theo quy hoạch xây dựng. Có cơ chế chính sách phù hợp với các đối tượng, đảm bảo tính khả thi để thực hiện việc di dời.
Sử dụng quỹ đất sau khi di dời
Quyết định nêu rõ, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời. Sử dụng hiệu quả quỹ đất còn lại sau khi di dời đúng mục đích, chức năng và các chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, tuân thủ Luật Thủ đô và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của thành phố Hà Nội. Căn cứ vào từng vị trí địa điểm cụ thể cần xem xét đánh giá để sử dụng hiệu quả quỹ đất và công trình cho các chức năng đào tạo nghiên cứu khoa học, bố trí cơ sở hạ tầng và công cộng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Đối với những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng.
Việc sử dụng và cải tạo xây dựng các cơ sở bệnh viện cũ cho khám chữa bệnh hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học phải đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất hiện có. Tiến tới xóa bỏ các công trình cơi nới, công trình xây dựng tạm, ảnh hưởng tới chất lượng môi trường và mỹ quan khu vực bệnh viện, đảm bảo diện tích đất cây xanh sân vườn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn của bệnh viện.
Văn phòng Chính phủ