Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh: Ngôi nhà thân thương của những bệnh nhân phong

(NTO) Với tinh thần trách nhiệm và trên hết là tình yêu thương đối với bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ phòng chống phong Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội (TTPCBXH) tỉnh đã hết lòng trong công tác phòng, điều trị với mong muốn phần nào chia sẻ, xoa dịu nỗi đau về tinh thần, thể xác của những bệnh nhân phong.

Bác sỹ Hồ Đăng Ngọc, Giám đốc Trung tâm TTPCBXH tỉnh cho biết: Trung tâm hiện có 49 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đảm nhận công tác điều trị bệnh phong gồm 7 bác sĩ, 1 y sĩ và 3 điều dưỡng. Mạng lưới phòng chống phong tuyến huyện có 1 bác sĩ, 5 y sĩ, 1 điều dưỡng; tuyến xã có 65 cán bộ chuyên trách. Mặc dù điều kiện chung còn khó khăn, nhưng hơn 20 năm qua công tác phòng chống phong đã được tích cực triển khai và đạt được mục tiêu trên cả 3 lĩnh vực: Phát hiện bệnh và đa hóa trị liệu, chăm sóc và phòng chống tàn tật...

Tận mắt chứng kiến công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong mới thấu hiểu được sự vất vả và tấm lòng của đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm. Những bệnh nhân được đưa đến điều trị hầu hết bị thương tích nặng, nhiều bệnh nhân có vết thương nhiễm trùng, hoại tử... Hằng ngày, các y, bác sĩ tận tình, ân cần thay băng, săn sóc vết thương, hướng dẫn bệnh nhân ngâm chân, tập vật lý trị liệu, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đều đặn, điều trị cho đến khi lành sẹo. Phần lớn bệnh nhân là những người nghèo, ở các vùng sâu, vùng xa; tuy đồng lương còn eo hẹp, nhưng với tinh thần “thương người như thể thương thân”, nhiều y, bác sĩ thường xuyên bỏ tiền túi giúp các bệnh nhân nghèo khi thì bữa ăn sáng, khi thì giúp tiền xe xuất viện về nhà, mua quà tặng trong những chuyến đi cơ sở... Bệnh nhân Katơ Thị Quyết, ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn tâm sự: Tôi phát hiện ra bệnh cách đây hơn 10 năm, di chứng để lại là các khớp ngón tay bị co rút lại, sức khỏe yếu nên hầu như không còn khả năng lao động, buồn và mặc cảm lắm. Tuy nhiên, được các y, bác sĩ động viên, chăm sóc chu đáo nên tôi lạc quan hơn, tuân thủ sự hướng dẫn của các y, bác sĩ để quyết tâm chữa lành vết thương trong những lần nhập viện.

Bệnh phong là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tàn tật. Bệnh nhân khó khăn trong sinh hoạt trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, thường mặc cảm và bị xa lánh. Chính vì vậy, đối với điều trị, việc tránh tàn tật được đặt lên hàng đầu. TTPCBXH thường xuyên đến tận các thôn, xã tổ chức các buổi tuyên truyền, giúp các bệnh nhân phong hiểu được nguyên nhân gây tàn tật và hướng dẫn cách thức tự chăm sóc.

Cán bộ y tế phòng chống phong đến thăm khám bệnh nhân phong tại nhà.

Trong các chuyến đi cơ sở, cán bộ chỉ đạo tuyến còn ân cần thăm khám, kiểm tra giám sát sự tuân thủ của bệnh nhân, giúp bệnh nhân chăm sóc các vết thương nhỏ tại nhà. Trong 5 năm qua, TTPCBXH đã tổ chức 60 buổi giáo dục nhóm cho hơn 480 lượt bệnh nhân. Y sỹ Trần Thị Thu Hà chia sẻ: Khó khăn, vất vả là vậy nhưng bù lại chúng tôi được bệnh nhân và bà con trao cả niềm tin, tình cảm thân thiết, gần gũi. Đây cũng chính là động lực giúp chúng tôi nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc.

Không chỉ làm tốt công tác điều trị, trung tâm còn tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân giúp đỡ nhiều bệnh nhân có thể tự nuôi sống bản thân, tái hòa nhập cộng đồng sau điều trị. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bệnh viện Da liễu Trung ương, Tổ chức FRF, trung tâm đã giúp 9 bệnh nhân sửa chữa, xây mới nhà ở, mua sắm công cụ lao động với tổng số tiền trên 320 triệu đồng. Thông qua sự tài trợ của Hội Chống phong Thụy Sỹ, Trung tâm đã phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng mở 1 lớp đào tạo sửa chữa xe máy cho 20 học viên là bệnh nhân phong và con em bệnh nhân phong. Sau khi tốt nghiệp, mỗi học viên còn được cấp 1 bộ dụng cụ đồ nghề trị giá 4 triệu đồng .

Sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ y tế phòng chống phong của trung tâm đã góp phần đạt được 3 tiêu chí dịch tễ học theo Thông tư 17/2013/TT-BYT quy định tiêu chí và hướng dẫn kiểm tra công nhận loại trừ bệnh Phong quy mô cấp tỉnh. Tính đến cuối năm 2014, tỉnh ta đạt 3 năm liên tục có tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000; tỷ lệ phát hiện dưới 1/10.000; tỷ lệ bệnh nhân phong mới bị khuyết tật nặng dưới 15% ( 2014 : 0%).

Với những thành tích đạt được, nhiều năm qua, TTPCBXH tỉnh đều đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, xứng đáng là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua ngành Y tế tỉnh nhà.